Hành trang lữ khách

''Đổi gió'' với hai ngày cuối tuần về miền Tây

Cập nhật: 14/06/2024 15:12:34
Số lần đọc: 841
Miền Tây vốn là vùng đất của nhiều cù lao, “thủ phủ” của những vườn cây ăn quả trĩu xanh được bồi đắp phù sa bởi hai dòng sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Bằng việc hệ thống hóa giao thông ở các trục đường chính và nông thôn, du lịch miền Tây ngày càng thu hút nhiều lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tận hưởng phút giây thư giãn và thưởng thức những món đặc sản của vùng đất chín rồng.


Thưởng thức trái cây tại vườn

Mặc dù ở nội vùng nhưng tôi vẫn chưa có dịp đặt chân đến xứ dừa Bến Tre. Một bữa lên thăm bạn ở Sài Gòn, sẵn vào dịp cuối tuần, bạn nói: “Muốn thay đổi không khí mấy ngày quá. Bạn đã quá ngán ngẩm với những trận kẹt xe và khói bụi ngột ngạt của đô thị vào hàng đông dân của cả nước”. Vậy là chốt lịch, chúng tôi dành 2 ngày nghỉ để khám phá Bến Tre trước, sau đó về Tiền Giang.

Vườn trái cây trĩu quả

Với lộ trình khoảng 80km, chúng tôi chọn di chuyển bằng xe máy sẽ linh hoạt hơn. Đường đi khá dễ, chỉ cần thẳng hướng Quốc lộ 1 đến ngã ba Trung Lương thì rẽ trái. Từ TP.Mỹ Tho, chúng tôi theo hướng dẫn qua cầu Rạch Miễu, đi thêm khoảng 13km là đến TP.Bến Tre, từ đây đi theo Đường tỉnh 887 đến Khu du lịch miệt vườn Lan Vương chỉ chừng 5km.

Mùa hè cũng là mùa của nhiều loại cây ăn quả. Trước khi xuất phát thẳng hướng miền Tây, tôi đã kịp bỏ túi lịch mùa trái cây trong năm. Từ tháng 6-9 Dương lịch là mùa chôm chôm. Đa số các tỉnh, thành phố ở miền Tây đều trồng được thứ quả ngoài gai trong láng với 3 loại chính là chôm nhãn, chôm thường và chôm Thái. Ai thích măng cụt có thể về Cái Mơn từ cuối tháng 4 trở đi. Tháng 5 bắt đầu có sầu riêng. Còn cuối năm là mùa của vú sữa.

Để không tốn quá nhiều thời gian di chuyển, chúng tôi chọn một khu du lịch phức hợp nhiều loại hình vui chơi, giải trí đậm chất sông nước miệt vườn và cũng bao gồm vườn trái cây. Cảm giác được mục sở thị những chùm quả chín lủng lẳng trên cành và được tận tay hái xuống thưởng thức tại chỗ là điều thú vị mà chắc chỉ khi về miền Tây mới cảm nhận được sự sảng khoái, thú vị đó một cách đủ đầy, trọn vẹn.

Đắm mình giữa không gian xanh

Tôi đã đi nhiều khu du lịch miệt vườn, sinh thái đậm chất miền Tây: Từ Mỹ Khánh (TP.Cần Thơ), Làng nổi Tân Lập (tỉnh Long An), rừng tràm Trà Sư (tỉnh An Giang) hay cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long). Có thể không nổi tiếng về danh lam thắng cảnh nhưng khí hậu và thiên nhiên sông nước là điểm mạnh của du lịch miền Tây cũng đồng thời là bản sắc.

Du khách chơi trò đu dây, bơi thuyền giữa không gian xanh mát

Chính không gian mở ở khu du lịch miệt vườn khiến chúng tôi nhanh chóng lấy lại cảm giác dễ chịu sau quãng đường rong ruổi. Được đắm mình trong không gian ngát xanh từ những hàng dừa nghiêng nghiêng xòe tán, những vườn cây, dòng nước mát, chúng tôi như được tái tạo năng lượng tích cực.

Gần chục năm trước, điểm tham quan, vui chơi, giải trí hút khách vào hàng bậc nhất tỉnh Bến Tre này chỉ là những thửa ruộng hoang sơ. Từ khi được khai thác, đầu tư, xây dựng thành khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp văn hóa, thể thao đã nâng tầm giá trị vùng đất. Với phong cách đậm chất miền Tây, chúng tôi cảm tưởng đó là không gian Nam Bộ thu nhỏ với đầy đủ những cảnh quan đặc trưng nhất của xứ Cửu Long.

Không chỉ được đắm mình trong khung cảnh thanh bình, mát xanh, tôi nghĩ đây cũng là địa chỉ lý tưởng để tổ chức team building, dã ngoại và cắm trại. Và thật thú vị khi chúng tôi có thể diện những bộ đồ bà ba dân dã nhưng vô cùng dễ thương để bơi xuồng quanh những con rạch. Bạn tôi tỏ ra hào hứng với những trò thể thao dưới nước như chơi xe đạp nước, đu dây giăng. Lần đầu được đi cầu khỉ “đặc sản” miền Tây, bạn nói: Chắc đây là trò chơi nguy hiểm nhất thế giới!

Mặc dù không trực tiếp tham gia trò tát mương bắt cá hay bịt mắt bắt vịt nhưng nhìn những bạn trẻ đến đây trải nghiệm một cách hào hứng, chúng tôi nảy ra ý nghĩ lúc nào đó sẽ rủ rê cả đám bạn xuống đây thử một phen.

Đặc sản thiên nhiên sông nước

Sau khi đã kịp thưởng thức những bữa ăn đặc sản như bánh xèo, lẩu mắm,... và nghỉ ngơi nạp đầy năng lượng, chúng tôi ngược về TP.Mỹ Tho để nghỉ đêm. Cũng là một thành phố khá nhộn nhịp nên tại đây có rất nhiều lựa chọn về chỗ nghỉ. Một số khách sạn tốt nhất là Mê Kông, Chương Dương. Bình dân hơn cũng không thiếu. Chúng tôi chọn một khách sạn trên đường 30/4 để tiện đi dạo về đêm.

Bánh xèo miền Tây

Nghe nhiều lời mách nhỏ, chúng tôi không thể nào bỏ qua đặc sản là hủ tiếu sa tế và nước mía thập cẩm nức tiếng từ lâu. Buổi tối, Mỹ Tho đông vui và nhiều vô kể những món đồ ăn vặt từ kem tươi, bắp xào, bánh tráng trộn, xiên que, bánh tráng nướng,...

Hấp dẫn là vậy nhưng chúng tôi lượng sức về nghỉ ngơi sớm. Hôm sau, sau khi ăn sáng với hủ tiếu Mỹ Tho trứ danh, chúng tôi ra bến tàu mua vé đi cồn Thới Sơn. Có lẽ, thế mạnh cũng chính là đặc sản của miền Tây là du lịch sông nước. Cảm giác được lọc cọc trên xe ngựa vào địa phương là một trải nghiệm không tệ. Hệt như chúng tôi đang được trở về không gian Nam Bộ thuở xưa. Sau khi đến nơi, chúng tôi được hướng dẫn lên những chiếc xuồng ba lá nhỏ đi len lỏi vào những con rạch.

Hủ tiếu sa tế Mỹ Tho

Với người miền Tây, đó hẳn là điều gì rất quen thuộc tưởng sẽ gây nhàm chán. Nhưng từ nhiều năm nay, cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông, ở những làng quê miền Tây đâu còn ai dùng tàu, ghe để đi lại nhiều. Nên trải nghiệm này vừa mới lạ với người xứ khác, vừa đưa những đứa con của miền châu thổ trở về với ký ức tuổi thơ. Lạc trôi giữa con rạch, hai bên là những hàng lá dừa nước rợp bóng mát, chỉ cần hít thở làn khí từ hơi nước và cây xanh cũng đủ cho chúng tôi gột rửa hết những ngột ngạt, bận bịu bao ngày.

Sau khi “quay ngược thời gian trở về với tuổi thơ”, chúng tôi ăn trưa rồi về khách sạn thu dọn đồ đạc, hành lý, chuẩn bị chia tay Mỹ Tho. Trước khi về Sài Gòn, tôi không quên tạt qua chùa Vĩnh Tràng. Đây là ngôi chùa cổ của Nam Bộ đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa có kiến trúc Á - Âu với sắc vàng nổi bật, là điểm tham quan tâm linh vẫn thu hút nhiều lượt khách nước ngoài đến viếng hàng năm. Không những vậy, chùa còn là địa điểm hành hương của nhiều tín đồ Phật giáo từ Bắc vào Nam và là nơi để những ai đang nghiên cứu lịch sử và tôn giáo đến tìm hiểu.

Chùa Vĩnh Tràng

Chỉ hai ngày cuối tuần nhưng chúng tôi hít no căng nguồn năng lượng mới. Và sẽ lại về phố tiếp tục với những bận rộn mưu sinh. Cuộc sống vốn dĩ là phải như vậy. Nhưng từ nay, chúng tôi sẽ thêm vào lịch sử trải nghiệm của mình những nơi đã đi qua. Và rồi, vào những lúc cần một chốn nghỉ ngơi, chúng tôi lại đi tới một vùng đất mới và lại thêm những địa danh hay được khám phá./.

Kha Nguyên

Nguồn: Báo Long An - baolongan.vn - Đăng ngày 12/6/2024

Cùng chuyên mục