Đồng Nai: Phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Gia đình bà Hoàng Thị Huyên (ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) biểu diễn hát then đàn tính tại Ngày hội Gia đình tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ảnh: L.Na
Chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa
Một trong những việc làm nổi bật trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các DTTS trên địa bàn tỉnh là nhiều lễ hội của đồng bào được phục dựng, tổ chức đi vào nền nếp như: Sayangva, Sayangbri (dân tộc Chơro), Yang Bơnơm, Yang koi (dân tộc Mạ), Ramandan, Roya Haji (dân tộc Chăm), Lồng Tồng (dân tộc Tày, Nùng), khai hạ, xuống đồng (dân tộc Mường)… Nhiều nhà văn hóa dân tộc được đầu tư, xây dựng quy mô. Đây là điều kiện quan trọng để các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian của đồng bào DTTS được tổ chức, trình diễn và truyền dạy.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được đồng bào các DTTS hưởng ứng tích cực, xuất hiện nhiều mô hình Câu lạc bộ Gia đình dân tộc hạnh phúc. Nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu người DTTS như: gia đình bà Hoàng Thị Huyên (dân tộc Tày, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán); gia đình anh Vi Văn Thường (dân tộc Thái, ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành); gia đình anh Đào Văn Minh (dân tộc Chơro, ngụ xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ)… được tuyên dương trong Ngày hội Gia đình tỉnh Đồng Nai năm 2024.
Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, Bảo tàng Đồng Nai đã đẩy mạnh sưu tầm hiện vật tiêu biểu các DTTS; kiểm kê lễ hội truyền thống các dân tộc tại các huyện Cẩm Mỹ và Thống Nhất. Đồng thời, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai trình Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL); lập hồ sơ Lễ hội làm chay miếu Tổ sư đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chị Ninh Thị Vui, cán bộ Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai, cho hay bên cạnh chiếu phim và biểu diễn văn nghệ, đơn vị còn tổ chức các triển lãm, trong đó có triển lãm ảnh chủ đề Văn hóa các dân tộc - những tinh hoa đất Việt. Triển lãm nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc với trang phục, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo… được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Qua đó góp phần giáo dục tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, gìn giữ và phát huy nền văn hóa truyền thống của đất nước.
Mới đây nhất, Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình đời sống văn hóa đồng bào DTTS năm 2024. Trong đó có xây dựng mô hình điểm về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ (huyện Định Quán). Từ nay đến cuối năm, bộ sẽ tổ chức tập huấn các nội dung mới về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tại địa phương cũng như quay phim, ghi âm, ghi hình, tư liệu hóa các hoạt động truyền dạy, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của đồng bào Mạ.
Phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch
Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Sở VHTTDL, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trong các lễ hội truyền thống gắn với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Đồng Nai. Một số địa phương đã thực hiện có hiệu quả mô hình phát triển du lịch thông qua các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.
Nhà dài Tà Lài ở huyện Tân Phú là một trong những điểm đến thu hút người dân và du khách khi đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Nhà dài được sử dụng trong khai thác du lịch với nhiều loại hình văn hóa dân tộc như: dệt thổ cẩm; biểu diễn múa, hát dân gian người Mạ, Tày, S’tiêng; thưởng thức cơm lam, rượu cần… Hay làng Mường tại ấp Tân Lập, xã Phú Túc (huyện Định Quán) vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng tại nhà văn hóa dân tộc Mường. Đặc biệt, đồng bào Mường nơi đây đã và đang gìn giữ nghề nấu rượu cần truyền thống.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS có nhiều khó khăn. Một bộ phận giới trẻ trong đồng bào dân tộc chưa quan tâm đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các hiện vật trong đồng bào dân tộc ngày một ít đi, một số lễ hội chưa được được duy trì…
“Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện điền dã, có chế độ chính sách đối với đội ngũ làm công tác tại thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là thiết chế vùng đồng bào DTTS. Gắn công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS với phát triển du lịch văn hóa, giải quyết việc làm trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh” - ông Khang nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VHTTDL xây dựng các chương trình chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng DTTS đạt 174 buổi (trên 148 ngàn lượt người xem). Đồng thời, công chiếu hơn 1,2 ngàn buổi chiếu phim, lồng ghép tuyên truyền lưu động (gần 103 ngàn lượt người xem). |
Ly Na