Du khách quốc tế đến TP. HCM chủ yếu vì muốn tìm hiểu văn hóa
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng, địa điểm tiêu biểu như Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi, Bưu điện Thành phố, Căn cứ Rừng Sác, Bảo tàng Áo Dài, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng chứng tích chiến tranh… đã được khai thác thành các điểm đến trong các chương trình tham quan tại Thành phố.
Ngành du lịch luôn xác định sản phẩm du lịch văn hoá luôn là sản phẩm hấp dẫn đối với du khách. Theo thống kê của tổ chức du lịch thế giới, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm. Riêng ở TP.HCM, có 56% khách quốc tế đến Thành phố chủ yếu vì muốn tìm hiểu văn hóa (tỷ lệ này ở khách nội địa là 28%).
Xuất phát từ xu hướng trên, ngành du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao tổ chức các chương trình, sản phẩm du lịch văn hóa. Cụ thể như, trong chương trình Tour tham quan trụ sở HĐND UBND, Sở Du lịch đã phối hợp tổ chức ngoài tham quan công trình kiến trúc du khách còn được trải nghiệm, tham quan tìm hiểu thêm về đặc trưng văn hoá, lối sống và con người Thành phố qua các chuyên đề triển lãm ảnh như: "Nét đẹp nhân ái- nghĩa tình con người TP. Hồ Chí Minh", triển lãm "TP.HCM đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa", "Sắc màu trẻ thơ"…
Chương trình tour "Sống động Sài Gòn" và "Ký ức Biệt động Sài Gòn" cũng là những sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Thống kê đến nay đã thu hút hơn 8.000 lượt khách tham quan trong năm qua, nhận được những phản hồi tích cực từ khách du lịch, du khách tham quan thuộc nhiều độ tuổi khách nhau.
Bưu điện Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: The Planet D)
Trong Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Sở Du lịch tham mưu xác định sản phẩm du lịch văn hoá- lịch sử là một trong các sản phẩm chính của du lịch TP.HCM và Sở Du lịch sẽ tham mưu kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hoá- lịch sử giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030 sau khi chiến lược được công bố.
Trong giai đoạn này, Sở Du lịch sẽ chủ trì phối hợp với chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch và quận huyện, Thành phố Thủ Đức xây dựng các chương trình du lịch kết nối các điểm tham quan đặc sắc từ các quận huyện theo các hướng sau: sản phẩm theo vùng địa lý liên kết các điểm đến ở gần nhau; sản phẩm theo chủ đề về văn hoá như chương trình tham quan các di tích gắn các nghi lễ, văn hoá dân gian, sản phẩm theo chủ đề về lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh; các sản phẩm theo loại hình như du lịch MICE, du lịch ban đêm, du lịch lễ hội và sư kiện (Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Lễ hội Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5, Lễ Khai hạ cầu an tại Lăng Ông Tả Quân Lê Văn Duyệt)./.
Vân Khánh