Du khách tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh qua các hiện vật ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi
Đoàn đại biểu được giới thiệu về những hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi
Di tích khảo cổ Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp tên là Vinet phát hiện lần đầu vào năm 1909. Đây là khu mộ chum lớn của cư dân văn hoá Sa Huỳnh, có niên đại cách nay trên 2500-3000 năm.
Đến nay, Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu và 7 lần đào thám sát, khai quật lớn, mà tiêu biểu nhất là cuộc khai quật năm 1978 do Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành, đã thu được 114 hiện vật với các chất liệu như: gốm, đá, xương, sắt… Những hiện vật này đã đem lại một cách nhìn mới, nhận thức mới về giá trị hình thành, phát sinh và phát triển của văn hoá Sa Huỳnh.
Hơn 300 hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh gồm chum, vại bằng gốm sứ… đã giúp đoàn du khách hình dung về đời sống sinh hoạt, lao động, sinh tồn của những cư dân xưa trong tiến trình lịch sử phát triển của mình.
Trong đó, có Bảo vật Quốc gia bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh thuộc văn hóa Sa Huỳnh gồm 18 bình gốm được khai quật năm 1978. Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo dáng, trang trí đạt trình độ thẩm mỹ cao, được tạo tác từ bàn tay khéo léo tài hoa của người Sa Huỳnh, phản ánh nghề gốm thủ công rất phát triển trên vùng đất Quảng Ngãi cách nay trên dưới 3.000 năm.
Các hiện vật có niên đại hàng nghìn năm thuộc Văn hóa Sa Huỳnh đang được lưu giữ đã giúp du khách và các chuyên gia có cái nhìn cụ thể hơn về nền văn hóa lâu đời này
Ngoài ra, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng đang lưu giữ Bảo vật Quốc gia Tượng Tu sĩ Champa có niên đại thế kỷ IX-X, nguồn gốc từ tháp Phú Hưng (Tam Kỳ, Quảng Nam) được thu thập từ năm 1994. Pho tượng này đang được trưng bày tại không gian trưng bày văn hóa Champa của Bảo tàng. Tượng Tu sĩ Champa Phú Hưng là tác phẩm có giá trị thẩm mỹ đặc sắc, thuộc phong cách nghệ thuật Mỹ Sơn A1, còn gọi là phong cách Trà Kiệu muộn trong nghệ thuật điêu khắc đá của văn hóa Champa, cũng là tác phẩm độc nhất vô nhị mà cho đến nay các đền tháp Champa ở miền Trung Việt Nam chưa có tiêu bản thứ hai.
Sau khi tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để có cái nhìn cụ thể hơn về văn hóa Sa Huỳnh, đoàn đại biểu tiếp tục chuyến hải trình đến đảo Lý Sơn để tận mắt chứng kiến những giá trị địa chất, địa mạo hiếm có của vùng lõi Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh.