Hành trang lữ khách

Du lịch nội địa bùng nổ trong dịp cuối tuần và nghỉ lễ

Cập nhật: 22/08/2022 08:57:26
Số lần đọc: 993
Bất chấp những biến động của thị trường xăng dầu thế giới cũng như bất ổn chính trị chung quanh căng thẳng Nga-Ukraine trong suốt thời gian qua, thị trường du lịch Việt Nam tiếp tục trên đà phục hồi mạnh mẽ , đặc biệt du lịch nội địa có sự tăng trưởng vượt bậc.


Du lịch Việt Nam có những dấu hiệu khởi sắc khi lượng du khách nội địa tăng mạnh.

Nhiều địa phương ghi nhận mức doanh thu ấn tượng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khách du lịch nội địa 7 tháng đầu năm 2022 đạt 71,8 triệu lượt, gấp 10 lần so cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có ngành du lịch phát triển trong nhiều năm trở lại đây đều ghi nhận mức doanh thu ấn tượng từ du lịch lữ hành như: Khánh Hòa tăng 858,4%; Cần Thơ tăng 328,3%; Đà Nẵng tăng 284,8%; Hà Nội tăng 216,8% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 111,4%.

Cùng với đó, thị trường hàng không nội địa Việt Nam cũng có sự tăng trưởng ấn tượng lên tới 123% so cùng kỳ năm 2019. Mức lỗ của ngành hàng không cũng giảm đáng kể so cùng kỳ năm 2021. Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam là một trong các quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Những tín hiệu tích cực trên là do chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, phục hồi ngành du lịch của nước ta đã có hiệu quả. Sau đỉnh dịch, các tỉnh, thành phố trên cả nước dần thực hiện chính sách nới lỏng giãn cách cũng như giảm bớt các thủ tục phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nội địa.

Ngoài ra, sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới cũng là đòn bẩy giúp ngành du lịch nội địa Việt Nam tăng trưởng trở lại.

Sau đại dịch, nhiều điểm du lịch cũng đã nghiêm túc hơn trong việc nâng cao ý thức xây dựng phát triển du lịch bền vững, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn văn hóa địa phương. Hơn hai năm ngưng trệ hoạt động cũng là lúc để các chủ đầu tư, doanh nghiệp du lịch trùng tu, cải tạo cơ sở lưu trú cũng như thay đổi cách vận hành phù hợp việc phát triển dài hạn. Nhiều khu du lịch đã triển khai các chương trình hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải; hỗ trợ việc bảo tồn khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh vật hoang dã.

Nhiều xu hướng du lịch mới lên ngôi

Trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận nhu cầu tăng cao về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, do nhu cầu về phục hồi và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, các dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi cũng như những mô hình du lịch khai thác suối nước khoáng nóng cũng được các cơ sở du lịch chú trọng đầu tư.

Mai Châu - điểm đến mới của các bạn trẻ yêu thích du lịch kiểu "phượt".

Hình thức du lịch theo tour vẫn được đa số các gia đình, hội nhóm đông thành viên lựa chọn. Khi đi du lịch theo loại hình này du khách sẽ không cần quá bận tâm về lịch trình; địa điểm tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi do đã có công ty du lịch chuẩn bị trước.

Với những du khách trẻ và có mong muốn được chủ động trong việc sắp xếp lịch trình di chuyển, du lịch kiểu “phượt” được ưa chuộng bởi sự đơn giản, không gò bó theo khung thời gian, cung đường di chuyển. Sau dịch dường như loại hình du lịch này được giới trẻ lựa chọn nhiều hơn.

Phùng Thúc Anh - một bạn trẻ đam mê du lịch bằng xe máy sống tại thành phố Hà Nội, chia sẻ: “Tôi thường có thói quen đi du lịch một mình, cùng lắm thì chỉ đi cùng một nhóm nhỏ không quá 6 thành viên. Khi đi phượt theo kiểu “độc hành”, tôi thường ghé thăm các địa điểm du lịch cách trung tâm Thủ đô dưới 200km như Mai Châu, Thung Nham, Tam Đảo và Ba Vì. Đi du lịch một mình là cơ hội để tôi điều chỉnh lại nhịp độ công việc cũng như tạo động lực mới cho bản thân. Những cung đường ngắn thuận lợi cho việc di chuyển bằng xe máy, từ đó tôi có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn những danh lam, thắng cảnh trong suốt hành trình”.

Trái ngược với kiểu du lịch mang tính tiết kiệm và có phần dè dặt trong chi tiêu, nhiều kiểu du lịch sang chảnh kiểu mới cũng hấp dẫn du khách nội địa. Gần đây, loại hình du lịch kiểu glamping nổi lên như một trào lưu du lịch mới và thú vị. Glamping là cách gọi ngắn của glamorous và camping, có thể hiểu là du lịch cắm trại kiểu sang chảnh, cao cấp. Với cắm trại thông thường, du khách sẽ phải chuẩn bị toàn bộ nhu yếu phẩm từ lều trại, dụng cụ sinh hoạt cho tới đồ uống thức ăn, ngoài ra họ còn phải quan tâm tới vấn đề an toàn ở các địa điểm cắm trại, liệu có thú dữ hay nạn cướp bóc xảy ra hay không. Với glamping, mọi vấn đề và rủi ro trên đều được giải quyết khi nhà cung cấp dịch vụ sẽ chuẩn bị toàn bộ trang thiết bị dựng lều trại, đồ ăn thức uống và bảo đảm an toàn khu vực cắm trại của du khách. Thậm chí, dịch vụ của các nhà cung cấp trên còn hết sức tiện nghi và sang trọng, có thể đạt tới tiêu chuẩn 5 sao ngay giữa khung cảnh thiên nhiên hoang dã.

Xuất hiện từ khoảng đầu năm 2021, tuy nhiên tới tận đầu năm nay, các nhà cung cấp dịch vụ glamping mới có cơ hội quảng bá và phát triển loại hình du lịch mới lạ và độc đáo này tới du khách.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, bà Vũ Giang Biên - Giám đốc Công ty du lịch Thiên đường Á Châu Pattours, Tổng Thư ký Hội Lữ hành Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Du lịch bền vững Vgreen, cho biết: “Hiện nay, một số đơn vị đã bắt đầu xây dựng và triển khai loại hình du lịch kiểu glamping tại các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt và Mộc Châu. Tuy nhiên, các mô hình trên vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn và mức độ cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Việc đưa du khách đến những địa điểm hoang sơ, tách biệt đòi hỏi những quy chuẩn cụ thể về an toàn, phòng chống cháy rừng, xử lý chất thải… Việc này hướng tới mục tiêu du lịch bền vững - vừa khai thác và vừa phải bảo vệ tuyệt đối môi sinh, cảnh quan, đời sống thiên nhiên hoang dã chung quanh. Bởi vậy, sự vào cuộc kịp thời của các cấp quản lý để glamping có thể vận hành trơn tru, hiệu quả là vô cùng cần thiết”.

Nhận định về tương lai của glamping tại thị trường du lịch Việt Nam, bà Biên cũng đưa ra quan điểm: “Trong thời gian tới, glamping sẽ là sản phẩm du lịch đặc biệt hấp dẫn không chỉ với du khách nội địa mà cả với đối tượng du khách nước ngoài. Glamping yêu cầu khoản đầu tư ban đầu không quá lớn nhưng nếu khâu thiết kế-xây dựng và vận hành sản phẩm được chăm chút, đạt tiêu chuẩn quốc tế thì sản phẩm du lịch này sẽ trở thành loại hình giàu tiềm năng phát triển của ngành du lịch nước nhà”.

Ngành du lịch dự báo đạt hết công suất trong dịp nghỉ lễ 2/9

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới, người lao động sẽ được nghỉ trong 4 ngày, từ ngày 1 đến hết ngày 4/9. Thời gian nghỉ dài như trên thuận lợi cho các gia đình, nhóm bạn bè tận hưởng các chuyến du lịch nội địa. Đây cũng là thời điểm kết thúc dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên trước khi bắt đầu năm học mới, thời gian này ngành du lịch luôn đón lượng du khách kỷ lục trong năm.

Các công ty du lịch lữ hành lớn đang có những chương trình ưu đãi hết sức hấp dẫn cho du khách vào dịp nghỉ lễ tới đây. Cụ thể, Saigontourist giảm giá lên tới 500.000 đồng/khách đối với các tour Thành phố Hồ Chí Minh-Côn Đảo và Thành phố Hồ Chí Minh-Phú Quốc. Mức giá cho một tour dao động từ khoảng 3.439.000 đồng/khách tới 7.439.000 đồng/khách tùy thuộc vào việc giá tour có bao gồm vé máy bay hay không. Tại khu vực phía bắc, Vietravel cũng đưa ra tour Đông Bắc đi qua các điểm như Lũng Cú, Đồng Văn, Mã Pí Lèng, Mèo Vạc, Thác Bản Giốc, Hồ Ba Bể. Mức giá Vietravel đưa ra cho 7 ngày 6 đêm như trên là 7.100.000 đồng/khách với hình thức land tour.

Ngoài ra, các khách sạn 5 sao ở các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng cũng đưa ra những chính sách khuyến mãi lên tới gần 30% cho các du khách đặt chỗ sớm.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 với lượng du khách tăng cao vừa là thách thức và vừa là cơ hội “tập dượt” cho ngành du lịch chuẩn bị cho làn sóng du khách nước ngoài ghé thăm Việt Nam trong phần còn lại của năm 2022.

Nhiều năm trở lại đây, khách du lịch quốc tế là nguồn thu chính của ngành du lịch nước nhà. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước chỉ đón khoảng 733.400 lượt du khách nước ngoài, đạt gần 15% so kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Gần đây, với chính sách “hộ chiếu vaccine” cởi mở hơn, nhiều đường bay quốc tế được nối lại.

Theo đó, với thị trường hàng không, Vietnam Airlines đã nối lại 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so năm 2019. Đặc biệt, việc tổ chức thành công SEA Games 31 cũng đã thúc đẩy lượng du khách nước ngoài ghé thăm Việt Nam một cách đáng kể. Trong phần còn lại của năm 2022, ngành du lịch Việt Nam cần có những chính sách thiết thực hơn nữa nhằm thúc đẩy thị trường du lịch quốc tế trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay.

Thế Sơn

 

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 22/8/2022

Cùng chuyên mục