Du lịch sinh thái ở huyện nông thôn mới
Khách đạp xe, tham quan vườn trái cây ở huyện Củ Chi.
Cuối tuần, chị Ðỗ Thị Thanh Hòa (35 tuổi, ngụ thành phố Thủ Ðức) "thưởng nóng" phần thưởng học sinh giỏi cho hai con bằng chuyến du lịch hai ngày một đêm về huyện Cần Giờ. "Khi nghe giới thiệu tua khám phá Thiềng Liềng - Cần Giờ bằng buýt đường sông, tôi bị hấp dẫn ngay lập tức. Khi trao đổi cùng các con, bọn trẻ cũng hào hứng không kém. Vậy là cả gia đình quyết định khăn gói về Cần Giờ du lịch", chị Hòa vui vẻ cho biết. Tại đảo nhỏ Thiềng Liềng, chị Hòa và các con lên bờ đi xe đạp, tìm hiểu đời sống người dân địa phương với nghề làm muối; hay cùng ngắm khung cảnh rực rỡ trên ruộng muối lúc bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp buổi ban chiều… "Ðược hòa mình vào sự yên ả với nhiều "cái không" khác biệt: Không xe ô-tô, không nước ngọt, không tệ nạn; với rừng phòng hộ bao quanh… tôi như được trở về với tuổi thơ. Không chỉ khám phá Thiềng Liềng, tuyến buýt đường sông còn đưa chúng tôi đến với thị trấn Cần Thạnh, đi chợ Cần Giờ và viếng đình Cần Thạnh. Gia đình tôi đã có những trải nghiệm vừa độc đáo, vừa thú vị mà chi phí lại hợp túi tiền", chị Hòa chia sẻ.
Huyện Củ Chi những ngày này cũng nhộn nhịp những đoàn khách là các gia đình trẻ tìm về khám phá du lịch sinh thái. Ðịa phương này vừa đưa vào khai thác sản phẩm du lịch "Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình" với nhiều điểm đến quen mà lạ. Hành trình khám phá bắt đầu từ đền Bến Dược, đến vườn trái cây Trung An. Du khách có thể chạy xe đạp hoặc đi xe ngựa quanh khu vực vườn trái cây, thưởng thức măng cụt, chôm chôm, ẩm thực ngon, lạ, đặc sắc của Củ Chi như rau mốp, thịt bò, đậu phộng, bánh tráng; thưởng thức đờn ca tài tử. Tại đây, du khách có thể tham quan quy trình sản xuất bột và thưởng thức bánh tráng tại xã Phú Hòa Ðông; tham quan, nghe giới thiệu mô hình nông nghiệp sản xuất hoa, cây cảnh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP kết hợp với tham quan du lịch ở các xã Bình Mỹ, Hòa Phú, Trung An, Phú Hòa Ðông, Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây. Một sản phẩm du lịch mới mẻ khác cũng được các đơn vị lữ hành lần đầu khai thác là tua "Trên bến - dưới thuyền ở Hóc Môn". Không phải về miền tây hay tới những điểm du lịch xa xôi ngoài thành phố, du khách vẫn có thể trải nghiệm miền sông nước khi lên tàu du lịch ở Bến tàu Nhị Bình; ngắm cánh đồng hoa ở xã Nhị Bình hay tham quan Làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương) ngay bên kia bờ sông... Ngay cả huyện Bình Chánh, vốn là một huyện vùng ven của thành phố Hồ Chí Minh ít được biết đến trên bản đồ du lịch của địa phương, nay cũng được các doanh nghiệp lữ hành xây dựng và đưa vào trở thành điểm đến thú vị. Ðịa phương này lần đầu tiên có sản phẩm du lịch "Bình Chánh - Những điều chưa kể". Các điểm tham quan của huyện có khu Di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò, Khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chùa Phật cô đơn, làng nghề làm nhang gần 100 năm. Du khách được trải nghiệm đạp xe ngắm rừng Lê Minh Xuân, hái đọt choại - một loại rau rừng dân dã, nổi tiếng tại huyện Bình Chánh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển cho rằng: Với tài nguyên du lịch phong phú, cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện là tiền đề để huyện thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án du lịch sinh thái. Phát triển du lịch không chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước, mà còn là cơ hội để người dân nâng cao thu nhập và mức sống. Kỳ vọng địa phương còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Ðình Ðức nhìn nhận: Thế mạnh của huyện Củ Chi là du lịch nông nghiệp như tham quan vườn trái cây, trải nghiệm nghề làm vườn, thưởng lãm ven sông Sài Gòn. Du khách được trải nghiệm thực tế đời sống nông thôn Củ Chi, chính nông dân là người tổ chức du lịch bằng chính sản phẩm do bản thân và gia đình làm ra. Một trong những mục tiêu trọng tâm của huyện Củ Chi năm 2022 là khôi phục phát triển ngành du lịch. Huyện sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch cho người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho rằng: Từ trước đến nay, du khách và người dân đã quen với những điểm đến ở khu vực trung tâm. Thông thường, khi đi làm việc, kết nối với các địa phương, thành phố Hồ Chí Minh cũng mời du khách đến tham quan và khám phá thành phố. Theo bà Thắng, để có những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, thành phố đã và đang nỗ lực xây dựng những sản phẩm độc đáo, khác biệt, trong tiềm ẩn của mỗi quận, huyện. Bà Thắng đề nghị Sở Du lịch tiếp tục phối hợp các sở, ngành, thành phố Thủ Ðức, các quận, huyện tập trung cho công tác phát triển sản phẩm du lịch theo hướng mỗi địa phương có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch, xem đây là chìa khóa, động lực gia tăng sự hấp dẫn của điểm đến. "Khởi đầu, các quận, huyện sẽ giới thiệu những điểm đến mới, hấp dẫn để doanh nghiệp du lịch đưa vào khai thác, đón khách. Ðây là những tua ngắn ngày, thay đổi liên tục để du khách tới thành phố không chỉ có những khu vực trung tâm mà thêm nhiều loại hình mới, trải nghiệm mới", bà Phan Thị Thắng chia sẻ thêm .
Bài và ảnh: Phương Vy