Tin tức - Sự kiện

Du lịch Tam Đường (Lai Châu) biến tiềm năng thành lợi thế

Cập nhật: 25/04/2019 09:47:00
Số lần đọc: 989
Dự kiến dịp 30/4  - 01/5 sắp tới, Khu Du lịch Thác Trắng đèo Hoàng Liên Sơn thuộc xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 để đón những vị khách đầu tiên. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng của dự án với mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, mà còn tạo cơ hội để huyện biến tiềm năng du lịch thành lợi thế, đưa ngành “công nghiệp không khói” của Tam Đường nói riêng, Lai Châu nói chung lên tầm cao mới.

Là huyện “cửa ngõ” của tỉnh, Tam Đường được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch phong phú; nhiều phong cảnh núi non, đèo thác đẹp cùng mạng lưới hang động đa dạng tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Bản sắc văn hóa của 12 dân tộc anh em cũng là lợi thế thu hút du khách. Ngoài ra, Tam Đường tiếp giáp với Sa Pa - điểm du lịch mang tầm quốc gia của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, những năm trước, du lịch Tam Đường chỉ dừng lại ở tiềm năng và chưa có chỗ đứng trong bản đồ du lịch trong nước với lượng khách chỉ từ 6.000 đến 8.000 người/năm. Thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Tam Đường đã tập trung phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Huyện đang quy hoạch phát triển du lịch với những điểm nhấn như du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch, kêu gọi sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào du lịch. Đặc biệt, huyện chú trọng kết nối du lịch trong khu vực, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tam Đường cũng hỗ trợ người dân hướng tới phát triển du lịch bền vững. Hằng năm, huyện tổ chức các lớp tập huấn phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ phát triển nông nghiệp như trồng cây ăn quả ôn đới, chè, mắc ca. Qua đó, không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập từ du lịch mà còn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc. Anh Giàng A Háng (bản Thèn Pả, xã Tả Lèng) cho hay: Trước đây, gia đình mình chỉ làm ruộng nương. Được xã, huyện hỗ trợ và khuyến khích làm dịch vụ du lịch, bây giờ gia đình có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cuộc sống ổn định rồi!

Tính đến hết năm 2018, huyện Tam Đường có 10 điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh được công nhận. Các điểm này hiện thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, trải nghiệm. Giờ đây, nhắc đến Tam Đường, du khách không thể quên hệ thống cọn nước tại bản Nà Khương, xã Bản Bo; điểm nhảy dù lượn tại bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu… Anh Davis (khách du lịch đến từ Mỹ) cho biết: Bản Sì Thâu Chải gây ấn tượng cho tôi bởi cảnh sắc thiên nhiên đẹp, con người thân thiện, mến khách.

Hiện nay, huyện Tam Đường đã và đang tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Khu du lịch thác Trắng đèo Hoàng Liên Sơn thuộc xã Sơn Bình là một điển hình. Khu du lịch được Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn đầu tư với tổng mức là 3.000 tỷ đồng chia thành 2 giai đoạn với các hạng mục: Hệ thống thang máy cao 281 m, cầu kính du lịch dài gần 1 km; khu vực nghỉ dưỡng cao cấp, các môn thể thao mạo hiểm…

Với sự quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, du lịch Tam Đường đang có những bước đi vững chắc hướng tới mục tiêu trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT