Du lịch Thái Lan đối mặt thách thức lớn từ ô nhiễm không khí
Đỉnh đồi Doi Suthep, nơi có tầm nhìn toàn cảnh ra thành phố cổ Chiang Mai, là một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Thái Lan. Tuy nhiên, những du khách cất công tới đây và leo bộ một chặng đường dài lên đồi hiện khó có thể thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp thường ngày vì ô nhiễm không khí nghiêm trọng khiến bầu trời không còn trong xanh nữa.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào mùa khô
Trong khi chính phủ Thái Lan đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19, thì nhiều người dân địa phương vẫn chọn đeo khẩu trang.
"Tôi từng lo lắng về sự lây nhiễm dịch bệnh, nhưng ô nhiễm không khí cũng đáng sợ", một người bán hàng phải đeo khẩu trang cho biết vào một ngày cuối tháng Hai.
Theo dữ liệu từ ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí trên điện thoại thông minh thì chỉ số ô nhiễm không khí tại Chiang Mai là 164 – trong khi mức trung bình là 150. Theo đó, chất lượng không khí tại Chiang Mai không lành mạnh và khiến người dân có nguy cơ mắc các triệu chứng hô hấp cao hơn. Chiang Mai và nhiều khu vực khác ở miền bắc Thái Lan thậm chí ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí trên 200 trong suốt nửa đầu tháng 2. Với chỉ số này, nơi đây đã trở thành một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới.
Chất lượng không khí của Thái Lan thường xuống cấp trong mùa khô, trong khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau và duy trì ở mức kém cho đến khoảng tháng 4, do nông dân đốt ruộng mía để dọn dẹp lá sau thu hoạch. Thêm vào đó, khí thải ô tô với số lượng phương tiện lớn cũng là một yếu tố gây ô nhiễm.
Điều này đã khiến khu vực phía bắc Thái Lan, một vùng nông nghiệp lớn, cùng với thủ đô Bangkok và các vùng xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí trên đỉnh Doi Suthep khiến trời không còn trong xanh. (Nguồn: Nikkei Asia).
Tính đến cuối tháng 1 năm nay, khoảng 380.000 người tại Thái Lan được xác nhận có vấn đề về hô hấp và đau mắt.
Cần có biện pháp ứng phó tổng thể
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã kêu gọi người dân làm việc tại nhà và đeo khẩu trang, đồng thời ra lệnh cho các cơ quan đưa ra biện pháp ứng phó.
Chính phủ Thái Lan cũng đã triển khai máy bay sử dụng công nghệ phun mây với hy vọng tạo ra mưa, đồng thời lắp đặt các máy lọc không khí khổng lồ ở các khu vực thành thị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp này không hiệu quả và hiện tại cũng là quá muộn.
Các nhà lập pháp Thái Lan cũng đã tranh luận về một số dự luật chống ô nhiễm không khí nhưng vẫn chưa thông qua bất kỳ dự luật nào do vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp. Khối kinh doanh nước này lo ngại sẽ phải tuân theo các quy định môi trường chặt chẽ hơn.
Ví dụ, theo dự kiến ban đầu, các nhà sản xuất ô tô Thái Lan phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 của châu Âu đối với các lô sản xuất mới vào năm 2021, nhưng thời gian đã bị lùi lại đến tháng 1/2024. Sự chậm trễ này một phần là do chất lượng không khí thường được cải thiện vào khoảng tháng 4 hàng năm khi lượng mưa tăng lên và sự quan tâm của quốc hội đối với vấn đề môi trường lại giảm đi.
Theo đánh giá của Nikkei, sự chậm trễ như vậy trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân mà còn có thể gây tổn hại cho ngành du lịch - một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Thái Lan.
Chính phủ và ngành du lịch nước này đều quảng bá rằng mùa khô là thời điểm tốt nhất trong năm để đến thăm Thái Lan. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế có thể "hoãn các chuyến đi đến Thái Lan, hoặc tệ hơn là chọn đến một quốc gia khác có không khí trong lành hơn", Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho biết.
Hướng đến phục hồi kinh tế sau một thời gian dài suy thoái vì đại dịch Covid-19, Thái Lan đã đưa ra một chiến lược xúc tiến du lịch mới tập trung vào phân khúc khách hạng sang và các kỳ nghỉ dài hạn, đồng thời phát triển hơn nữa du lịch y tế. Tuy nhiên, sự thành công của chiến dịch này vẫn chưa chắc chắn, vì đối tượng mục tiêu của họ - những người có ý thức về sức khỏe - chắc chắn sẽ tìm cách tránh những nơi bị ô nhiễm không khí- theo đánh giá của Nikke./.
An Bình