Du lịch Việt Nam vượt khó, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ hội Văn hóa - Du lịch tại Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Việt Hùng
Thích ứng linh hoạt, từng bước vượt qua đại dịch Covid-19
Giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), đạt tăng trưởng bình quân 22,7%/ năm, nằm trong nhóm các điểm đến mức tăng trưởng cao nhất thế giới theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc.
Tuy nhiên đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, ngành Du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, hoạt động du lịch ngừng trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Mọi thứ gần như trở về con số 0. Từ cuối tháng 3/2020, Việt Nam tạm dừng đón khách quốc tế để phòng chống dịch. Hoạt động du lịch nội địa diễn ra cầm chừng và thường xuyên bị gián đoạn bởi những đợt bùng phát dịch. Đỉnh điểm có những lúc có đến 90-95% số doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động, nhiều người lao động trong ngành du lịch buộc phải chuyển nghề khác.
Trong giai đoạn đầy thách thức đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng toàn ngành Du lịch đã kịp thời thích ứng linh hoạt, thực hiện nhiều giải pháp như ứng dụng công nghệ hỗ trợ du lịch an toàn, đẩy mạnh truyền thông quảng bá trên nền tảng số, đẩy nhanh chuyển đổi số... Nhờ đó, hoạt động du lịch nội địa vẫn được duy trì ở chừng mực nhất định vừa bảo đảm an toàn trước dịch bệnh.
Đồng thời, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách thiết thực như: hỗ trợ tài chính cho các hướng dẫn viên bị ảnh hưởng của dịch bệnh, giảm giá bán điện, giảm tiền điện, tiền thuế cho doanh nghiệp du lịch, giảm các khoản phí, lệ phí thẩm định cấp phép kịnh doanh lữ hành, giảm tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành... Từ đó, các doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động trở lại.
Du lịch Việt Nam phục hồi tốt nhất khu vực Đông Nam Á
Việt Nam chính thức mở cửa khôi phục lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/3/2022. Đây là bước khởi đầu cho sự tái thiết ngành Du lịch Việt Nam sau dịch bệnh và đã mang lại những thành tựu đáng ghi nhận.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Năm 2022, Việt Nam đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế (tương đương 20% so với năm 2019), đến năm 2023 đã phục hồi 70% với 12,6 triệu lượt. Kết thúc năm 2024, lượng khách quốc tế đến đạt 17,6 triệu lượt, phục hồi 98% so với năm 2019. Đây là mức phục hồi tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan (88%), Singapore và Indonesia (86%), Philippines (72%)... Trong bối cảnh ngành Du lịch khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng phục hồi chậm chạp, thì Việt Nam là điểm sáng nổi bật trong bản đồ du lịch khu vực, nhận được nhiều đánh giá tích cực của các hãng truyền thông quốc tế.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường khách du lịch nội địa là minh chứng cho thấy định hướng đúng đắn của cơ quan du lịch quốc gia lấy thị trường nội địa là điểm tựa để duy trì hoạt động và phục hồi hoạt động sau dịch Covid-19. Ngay trong năm 2022, lượng khách nội địa đã đạt 101,3 triệu lượt, vượt qua con số kỷ lục 85 triệu lượt vào năm 2019, và tiếp tục tăng lên 108 triệu lượt vào năm 2023 và 110 triệu lượt vào năm 2024.
Với sự phục hồi của hoạt động du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch quay trở lại thị trường tăng mạnh, cũng như có thêm nhiều cơ sở lưu trú du lịch được đưa vào hoạt động. Đến hết năm 2024, cả nước có 4.170 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 40.720 hướng dẫn viên du lịch, 280 cơ sở lưu trú hạng 5 sao với 60.190 buồng và 356 cơ sở lưu trú hạng 4 sao với 49.466 buồng.
Tổng thu du lịch liên tục tăng trưởng, năm 2022 đạt 495 nghìn tỷ đồng, năm 2023 đạt 678 nghìn tỷ đồng và năm 2024 đạt 840 nghìn tỷ đồng. Du lịch được Chính phủ đánh giá là điểm sáng trong tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Sự tăng trưởng của du lịch tác động lan tỏa mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Tiếp nối đà tăng trưởng, trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam thu hút trên 9,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2024; phục vụ 61,5 triệu khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 418 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, mặc dù đang trong mùa thấp điểm du lịch nhưng tháng 5/2025 khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đạt 1,53 triệu lượt, cao nhất trong nhiều năm qua. Nhiều chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng đây là tín hiệu tích cực để kỳ vọng vào sự bứt phá của thị trường quốc tế trong những tháng cao điểm vào giai đoạn cuối năm để hiện thực hóa mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam
Du lịch Việt Nam gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội cũng như điểm sáng trong công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, đây cũng là thành quả đến từ sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành Du lịch trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết hợp tác phát triển du lịch nông nghiệp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
Về tham mưu xây dựng thể chế chính sách, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với vai trò quản lý nhà nước đã tham mưu các cấp ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch phát triển. Trong đó, nổi bật là Chính phủ đã ban hành các chính sách cởi mở về thị thực và xuất nhập cảnh, là chất xúc tác quan trọng để thu hút khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam.
Cùng với đó là Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; Công điện 06/CĐ-TTg về nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch; Công điện 34/CĐ-TTg về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số; Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính thức áp dụng mức giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch tương đương các ngành sản xuất... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đích thân chủ trì 3 hội nghị lớn về du lịch, cho thấy sự quan tâm và kỳ vọng cao của người đứng đầu Chính phủ đối với ngành Du lịch.
Lễ ký thư trao đổi dự án du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam
Công tác quản lý nhà nước được tăng cường nhằm tạo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và nề nếp. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong trong lĩnh vực du lịch tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Đồng thời, tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật trong ngành; các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển du lịch ban đêm, du lịch cộng đồng; du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ hỗ trợ du lịch, chiến lược marketing du lịch,... tổ chức kết nối, hình thành và phát huy hiệu quả các mô hình hợp tác liên vùng giữa các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tiếp Bí thư Thành ủy Sùng Tả, Trung Quốc bàn về hợp tác phát triển du lịch
Một điểm sáng nữa là công tác xúc tiến, quảng bá có bước đổi mới đột phá với những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy cơ chế hợp tác công - tư, kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội hóa. Lần đầu tiên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hollywood, Hoa Kỳ và sau đó là Chương trình giới thiệu Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Cannes, Pháp, mở ra hướng đi mới về quảng bá du lịch nước nhà thông qua điện ảnh.
Quy mô, số lượng, tần suất, phạm vi của những hoạt động xúc tiến được tăng cường, nhất là tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Nga, Đức, Pháp, Ý, Séc, Ba Lan, Thụy Sỹ,... Đặc biệt, chương trình giới thiệu du lịch, văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc và Hàn Quốc vinh dự đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.
Hoạt động truyền thông trên nền tảng số ngày càng mạnh mẽ, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thế giới. Website quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á theo bảng xếp hạng website toàn cầu. Chương trình “Việt Nam: Đi Để Yêu!” vinh dự đạt giải Nhì (năm 2022) và giải Ba (năm 2024) tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại. Hoạt động chuyển đổi số tiếp tục đi vào chiều sâu, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất theo định hướng của Chính phủ.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại Đức
Cùng với đó, hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ký kết hợp tác phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký kết hợp tác thúc đẩy loại hình du lịch đường sắt trong giai đoạn mới. Các sản phẩm du lịch mới như chăm sóc sức khỏe, du lịch golf, du lịch thể thao, du lịch âm nhạc… ngày càng được ưa chuộng. Sản phẩm du lịch ban đêm được khai thác hiệu quả, với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại trên cơ sở áp dụng những công nghệ mới như 3D Mapping, trình diễn ánh sáng, thực tế ảo, thực tế tăng cường...
Có thể nói, giai đoạn 2020 - 2025 chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của ngành Du lịch Việt Nam. Không chỉ phục hồi thành công mà Du lịch Việt Nam đã thực sự vươn lên một tầm cao mới, nhận được sự yêu mến và công nhận của du khách bốn phương và các tổ chức giải thưởng, báo chí quốc tế trong suốt thời gian qua. Trong thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp tăng tốc phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo mà Chính phủ đã đề ra, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Trung tâm Thông tin du lịch