Gia Lai: ''Bãi biển mi ni'' giữa lòng thị xã Ayun Pa
Dòng sông Ba gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, sản xuất, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân thị xã Ayun Pa. Khác với sự hung hãn vào mùa mưa, thời điểm này, nước sông Ba trong vắt, hiền hòa. Mực nước sông hạ thấp, lòng sông thu hẹp làm nhô lên những bãi bồi với dải cát trắng mịn trải dài, cùng với cánh đồng xanh mướt hai bên bờ tạo khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hữu tình.
Từ trên cầu Bến Mộng nhìn xuống, nơi đây như một “bãi biển mi ni” giữa lòng thị xã. Trước sức nóng của những ngày đầu hè, chiều đến, nhiều người tìm đến khu vực này dạo chơi, hóng mát. Chỉ cần một tấm bạt nhỏ, một ít đồ ăn mang theo, cả gia đình sẽ có một chuyến dã ngoại thú vị. Trẻ em thoải mái chơi đùa, bơi lội, xây lâu đài cát; các bạn trẻ có địa điểm lý tưởng để check-in. Chỉ khi ánh lửa bập bùng đã tắt, những cuộc vui mới dừng, trả lại vẻ yên bình vốn có cho dòng sông.
Thường xuyên đưa con ra vui chơi tại bãi bồi dưới chân cầu Bến Mộng, chị Trương Thị Ngọc Tuyết (tổ 1, phường Đoàn Kết) cho hay: Ban đầu, các cháu chỉ đi dạo dọc bờ kè, sau thấy bãi cát dưới chân cầu nên rủ nhau xuống chơi rồi tắm mát. Nước sông trong vắt, dòng chảy tự nhiên hiền hòa nên các cháu rất thích thú. “Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, khu vực này trở nên nhộn nhịp. Trong khi các hồ bơi tại thị xã đang quá tải thì việc có một “bãi biển” rộng rãi, miễn phí như thế này thật là lý tưởng. Nhiều người tranh thủ dạy các cháu tập bơi để phòng tránh đuối nước. Không chỉ các cháu nhỏ thỏa sức chơi đùa dưới nước, mà người lớn cũng thoải mái đắm mình dưới dòng nước mát, giúp xua tan đi sự oi bức, mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng”-chị Tuyết vui vẻ nói.
Những bãi cát trải dài dọc bờ kè Bến Mộng trở thành điểm dã ngoại lý tưởng với các gia đình. Ảnh: Vũ Chi
Không chỉ người dân tại thị xã Ayun Pa đến đây vui chơi, qua những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ từ các địa phương lân cận cũng tập trung về đây để được hòa mình vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Em Trần Vũ Khánh Huyền-học sinh lớp 7.3, Trường THCS Nguyễn Du (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Nghe một số bạn giới thiệu, nhóm chúng em rất tò mò về “bãi biển” này nên quyết định đến trải nghiệm vào dịp cuối tuần. Không gian ở đây rộng rãi, thoáng mát nên rất thích hợp với học sinh tụi em. Tất cả các thành viên trong nhóm đều rất hài lòng với chuyến dã ngoại này và thích thú với những tấm hình độc đáo có được. Khi đăng ảnh, nhiều bạn đã tưởng chúng em đang du lịch tại một bãi biển nào đó”.
Là người gắn bó với dòng sông Ba gần 80 mùa rẫy, ông Châu Sanh Ngọc-người lái đò năm nào chở khách sang sông luôn dõi theo sự thay đổi của cảnh vật bên dòng sông này. Giờ đây, mỗi buổi chiều tà, ngồi ngắm dòng sông yên bình, trước cảnh người nhộn nhịp, bao ký ức về bến nước và con đò năm xưa lại ùa về trong ông. Ông cũng thèm một lần nữa được đắm mình trong dòng nước mát lành ấy. “Thật vui vì bến nước năm xưa nay trở thành “bãi biển” đẹp thu hút người dân tới vui chơi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, tôi thấy lòng sông có nhiều điểm nông-sâu xen kẽ nên với trẻ em bắt buộc phải có người lớn đi cùng để đảm bảo an toàn”-ông Ngọc trải lòng.
Nhóm học sinh lớp 7.3 Trường THCS Nguyễn Du (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) thích thú chụp hình tại "bãi biển mini" giữa lòng thị xã. Ảnh: Vũ Chi
Vì là bãi tắm tự phát, khu vực này thiếu các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách nên mọi người muốn vui chơi lâu hơn phải mang theo đồ ăn, thức uống. Và kết quả của những chuyến dã ngoại ấy là tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều đoàn đến sau phải dọn vệ sinh của đoàn đến trước, đốt bỏ rồi mới dựng trại. Bức xúc trước ý thức kém của một số người, chị Trần Như Quỳnh (tổ 4, phường Sông Bờ) cho hay: Bãi cát trước đây rất sạch nhưng dưới tác động của con người đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi lần đến đây, chị đều gom rác rồi đốt bỏ để các cháu có điểm vui chơi lý tưởng. Hy vọng thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ bố trí thùng đựng rác tại đây cũng như cắm biển nhắc nhở người dân. Đặc biệt, nếu có hệ thống điện chiếu sáng vào buổi tối thì nơi đây chắc chắn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng với du khách.
Nếu như các bãi cát bồi dọc bờ kè thuộc địa phận thị xã Ayun Pa thì phía bãi bồi chân cầu Bến Mộng lại thuộc quản lý của huyện Ia Pa. Vì vậy, để “bãi biển mi ni” này thực sự trở thành điểm vui chơi lý tưởng của người dân mùa nước cạn rất cần sự vào cuộc của chính quyền 2 địa phương để có kế hoạch phát triển cũng như quản lý khu dã ngoại này, đặc biệt tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, giảm thiểu được tình trạng xả rác gây ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo an toàn, an ninh trật tự.
Vũ Chi