Gia Lai: Kỳ bí tượng ''ông Phật'' trên núi Chư Pao
Từ quốc lộ 14, rẽ theo con đường bê tông, chúng tôi đến thôn Đại An 1 (xã Ia Khươl) để tìm hiểu về những tảng đá kỳ lạ trên núi Chư Pao. Nhìn từ xa, núi Chư Pao như một cây nấm khổng lồ với nhiều tảng đá có kích thước và hình thù độc đáo, đứng sừng sững, chót vót giữa nền trời xanh như thu hút mọi ánh nhìn của lữ khách. Nhắc tới các tảng đá trên núi, ông Đào Hoàng Vũ-Trưởng thôn Đại An 1 liền kể tường tận nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh. Ông Vũ cho biết, năm 1984, ông và hàng chục bà con từ Quảng Nam vào đây sinh sống đã thấy các tảng đá với nhiều hình thù kỳ lạ trên đỉnh núi Chư Pao.
Theo ông Vũ, tại đây có hàng chục tảng đá cao 10-30 m, đường kính 10-20 m, khối lượng hàng trăm tấn. Đặc biệt, nhiều tảng đá lớn bằng phẳng, nhiều cây cổ thụ mọc xung quanh, rễ cây tua tủa bao bọc chằng chịt bám chặt rất độc đáo và đẹp mắt. Đặc biệt, tại đây có 3 tảng đá to lớn đứng song song trên đỉnh cao khoảng 30 m, đường kính khoảng 10 m trông giống ngọn tháp. Trong đó, có 1 tảng đá được định hình 3 phần rõ ràng gồm: đầu, thân và chân, bề mặt xù xì, giống như chiếc vảy rắn khổng lồ, thế đứng thẳng hiên ngang giữa đỉnh núi Chư Pao, hướng về phía mặt trời mọc. Nhìn từ xa trông giống hình dáng người, nên người dân trong vùng gọi tảng đá tự nhiên này là tượng “ông Phật”.
Cũng bởi sự hoang sơ, kỳ bí ấy mà người dân truyền tai nhau về câu chuyện có một con rắn hổ mang chúa khổng lồ bảo vệ tượng “ông Phật”. Tương truyền, trong lúc lên núi thì một người đàn ông phát hiện tại tượng “ông Phật” có con rắn hổ mang chúa rất to nên vội vã rời đi rồi báo với dân làng tìm cách bắt rắn. Tuy nhiên, sau khi bắt được con rắn lúc chuẩn bị đem đi bán thì có một phật tử trong vùng mua lại rồi đem thả ở một khu rừng khác cách hàng chục cây số. Sau một thời gian vì nhớ tượng “ông Phật” nên con rắn hổ mang chúa đã trở về chỗ cũ, người đàn ông phát hiện rắn trước đó cũng bị ốm đau triền miên. Từ đó, bà con trong vùng vẫn đồn đoán lâu lâu lại thấy con rắn hổ mang chúa ấy xuất hiện nhưng dân làng không dám làm phiền nữa và nó cũng rất hiền lành nên chẳng làm hại ai.
Nhiều người dân thường xuyên lui tới khu vực tượng đá “ông Phật” tại núi Chư Pao. Ảnh: R’ô Hok
Canh tác tại khu vực núi Chư Pao hàng chục năm nay, ông Rơ Châm A Yut (làng Pok, xã Ia Khươl) cho rằng, trải qua sự bào mòn của mưa gió, thiên nhiên đã tạo ra các tảng đá tại núi Chư Pao có hình thù kỳ lạ, đẹp mắt. Cũng vì thế, tại đây trở thành nơi linh thiêng, vào các ngày lễ nhiều phật tử và bà con trong vùng đến tại tượng “ông Phật” hành lễ cầu mong đem lại sự bảo vệ, che chở và may mắn trong cuộc sống.
Còn theo ông Ksor Túi-nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh, phụ trách quản lý rừng tại khu vực núi Chư Pao-chia sẻ: “Núi Chư Pao có diện tích rất rộng lớn. Thời chiến tranh núi Chư Pao là nơi trú ngụ của bộ đội để đánh giặc nên ở đây thường chứng kiến nhiều mưa bom, bão đạn. Ngoài vẻ độc đáo của các tảng đá khổng lồ và những câu chuyện thú vị, núi Chư Pao còn có rất nhiều hang động, thác nước hoang sơ nên vào các ngày lễ nhiều bạn trẻ ở nhiều nơi thường qua đây khám phá, vui chơi…”.
Đẹp nhất là khi đứng trên đỉnh núi Chư Pao, du khách sẽ tha hồ phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, tươi đẹp xung quanh với màu xanh bạt ngàn của những rẫy cà phê, vườn cao su và đồng lúa xen lẫn giữa những đám mây trắng bồng bềnh, xa xa là những ngôi làng người Jrai đơn sơ, mộc mạc thấp thoáng trong ánh nắng chiều yên bình.
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Yến Vân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl-cho biết: Núi Chư Pao có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, do điều kiện của địa phương còn khó khăn nên chưa khai thác lợi thế đó. Xã mong muốn các cấp ngành quan tâm đầu tư, nhất là cải thiện các con đường, lối đi... để thu hút thêm du khách tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
R’ô Hok