Giữ nhịp văn hóa làng quê Ninh Bình
Một lớp tập huấn sử dụng nhạc cụ dân tộc được huyện Gia Viễn (Ninh Bình) tổ chức, thu hút nhiều người tham gia. (Ảnh Minh Quang)
Có dịp trở lại huyện Gia Viễn, thăm Thung Lau - nơi gắn liền với những bước đầu trong sự nghiệp thống nhất giang sơn của Đinh Bộ Lĩnh, tôi và nhiều du khách rất hào hứng và ấn tượng bởi được hòa mình vào không gian hùng vĩ của thiên nhiên, đắm mình trong làn điệu chèo cổ, trải nghiệm huyền tích “Tập trận cờ lau” do chính những người dân Gia Viễn biểu diễn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn Vũ Thị Dược cho biết: Với định hướng gắn phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ với phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Viễn đã ban hành Nghị quyết phát triển du lịch với định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương gắn với du lịch xanh. Huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó mở rộng hợp tác để có nhiều đối tác, nhiều con em quê hương đồng tình, ủng hộ, tài trợ, giúp các câu lạc bộ có điều kiện được đầu tư cơ sở vật chất để phát triển; đẩy mạnh phát triển các câu lạc bộ nghệ thuật chèo, câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc; quan tâm tổ chức cho người dân, hội viên phụ nữ, giáo viên âm nhạc, học sinh yêu văn nghệ được tham gia các lớp tập huấn, học hát chèo, hát xẩm và sử dụng nhạc cụ dân tộc, từ đó duy trì các nhân tố nòng cốt.
Ở huyện Kim Sơn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Phạm Văn Sang cho biết: Nhằm khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đã phối hợp tổ chức các lớp học, lớp tập huấn về hát chèo, hát văn, ca trù trên địa bàn. Huyện và các xã thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của quần chúng nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để các loại hình nghệ thuật truyền thống có đất diễn. Gần 94% thôn, xóm trên địa bàn huyện xây dựng được nhà văn hóa khang trang, thuận lợi cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ có địa điểm tập luyện, tập hợp được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; góp phần quan trọng để huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Ở tỉnh Ninh Bình hiện nay, các làn điệu dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian truyền thống được bảo tồn, phát triển khá tốt. Đáng ghi nhận là cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thông qua định hướng về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa; các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng, phát triển văn hóa được đưa vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo nên phong trào sôi nổi, rộng khắp, trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống nhân dân. Chính những người dân “chân lấm, tay bùn” là những hạt nhân xây dựng nên hàng chục câu lạc bộ hát chèo, tiêu biểu là huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh; miền quê biển Kim Sơn có câu lạc bộ ca trù, duy trì, phát triển nghệ thuật trống nhảy, đội kèn đồng; huyện Yên Mô nổi tiếng với câu lạc bộ hát xẩm...
Tuy nhiên, việc lưu giữ tinh hoa văn hóa làng quê ở Ninh Bình không phải chỉ có thuận lợi. Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh ở các miền quê; ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn tinh hoa văn hóa truyền thống còn hạn chế... Chính những điều đó đã tạo ra thách thức không nhỏ cho việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Do đó, cần nhiều nỗ lực, hành động cụ thể, hiệu quả hơn nữa từ hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư để gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa Cố đô Hoa Lư.
Văn Lúa và Xuân Trường