Hà Giang: Sắc màu văn hóa dân tộc Lô Lô trên cao nguyên đá
Người Lô Lô là 1 trong 14 dân tộc có dân số dưới 10.000 người ở Việt Nam, sinh sống chủ yếu tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Người Lô Lô ở Hà Giang có hai nhánh là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Đồng bào Lô Lô Đen tập trung ở xã Lũng Cú, còn đồng bào Lô Lô Hoa sống tại các xã của huyện Mèo Vạc và một số xã của huyện Đồng Văn.
Nét đẹp của thiếu nữ người dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc trong trang phục truyền thống.
Huyện Mèo Vạc có 17 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, chứa đựng tính truyền thống lịch sử và phong tục tập quán riêng. Trong đó, người Lô Lô hiện có 234 hộ, với 1.035 nhân khẩu, cư trú chủ yếu tại thị trấn Mèo Vạc, Thượng Phùng, Xín Cái. Tuy chiếm tỷ lệ khiêm tốn nhưng văn hóa của dân tộc Lô Lô phong phú cả về đời sống vật chất và tinh thần, với phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ cúng tâm linh đặc sắc. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách nhằm duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người. Một trong những chính sách đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm cùng các cô gái, chàng trai trong trang phục dân tộc địa phương.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, huyện Mèo Vạc sẽ tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô năm 2024 vào tối 15-11 tại Quảng trường trung tâm huyện; với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm như: Trình diễn Lễ rửa làng của dân tộc Lô Lô; thi kỹ thuật công đoạn thêu, ghép các hoa văn của dân tộc Lô Lô. Các hoạt động trò chơi dân gian, đánh yến, trò chơi đá lợn, kéo co; thi ẩm thực ngô, chế biến đồ uống, món ăn...
Đồng thời, nhiều hoạt động hứa hẹn mang đến cho du khách trải nghiệm phong phú, hấp dẫn mang đậm nhịp sống, hơi thở của miền cao nguyên đá cũng sẽ được diễn ra tại Nhà văn hóa dân tộc Lô Lô (thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc) như: Hóa thân thành (nam, nữ) dân tộc Lô Lô, chụp ảnh và tham gia các hoạt động trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực chế biến từ ngô (ngô nướng, bánh ngô, mèn mén, rượu ngô, bún ngô, bỏng ngô…) một số món ăn truyền thống của dân tộc Lô Lô; trải nghiệm tráng bánh phở của dân tộc Lô Lô…
Vũ điệu nhảy sạp của người Lô Lô.
Ông Lương Đình Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin và du lịch huyện Mèo Vạc thông tin: “Hiện nay, đơn vị đang tích cực triển khai công tác trang trí khánh tiết, luyện tập các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc hứa hẹn đem đến cho du khách, khán giả những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đậm sắc màu văn hóa Lô Lô”.
Là địa phương có nhiều địa điểm tham quan, trải nghiệm nổi tiếng như: Cung đường Hạnh Phúc, Tượng đài Thanh niên xung phong, đỉnh Mã Pì Lèng; đặc biệt là hoạt động du thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế I - ngắm hẻm vực Tu Sản vài năm trở lại đây thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, với chủ đề “Mèo Vạc - Bừng sáng miền di sản” Mèo Vạc sẽ tổ chức hội thi trang trí thuyền đẹp trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 vào ngày 14-11.
Du thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế I - ngắm hẻm vực Tu Sản thu hút đông đảo du khách.
Để hội thi diễn ra an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho du khách, các ngành, đơn vị của huyện phối hợp với các chủ thuyền đang hoạt động trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 đảm bảo đầy đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật như: Giấy phép đăng kiểm thuyền, đầy đủ áo phao, ghế ngồi cho du khách,… đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan trên lòng hồ.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Huyện đã chỉ đạo đồng loạt tổ chức triển khai các hoạt động để trong dịp lễ hội Hoa tam giác mạch Hà Giang cũng như chuỗi các hoạt động từ thời gian này đến hết năm, đảm bảo cho du khách có sự trải nghiệm hài lòng nhất khi đến với Mèo Vạc”.
Bài, ảnh: Hà Linh