Hà Nội: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản các di tích thờ Linh Lang Đại Vương
Kho tàng di sản văn hóa quý giá
Theo truyền thuyết dân gian, thần Linh Lang được thờ tại các đình là hiện thân của rắn và hóa thân là dòng nước, biểu đạt mong muốn được tiêu thoát để mùa màng, nhà cửa và con người được an toàn trong mùa lũ; là hiện thân của vị thần chống lũ lụt, của tinh thần chống lũ lụt, chế ngự thiên tai của người Việt trên vùng châu thổ Bắc Bộ.
Quang cảnh hội nghị.
Dưới góc độ nghiên cứu di sản văn hóa thông qua các tư liệu cổ, GS.TS Đinh Khắc Thuân đã khảo sát, dịch thuật các tư liệu tại di tích, khai thác nguồn cổ sử liên quan để nêu bật giá trị di tích thờ Linh Lang Đại Vương. Hoạt động tín ngưỡng Thần Linh Lang ở Long Biên có lịch sử lâu đời, gắn với ngôi đình và trở thành một trong đặc trưng văn hóa làng.
“Cũng từ đây, song song với sự khôi phục trở lại các ngôi chùa, quán là sự xuất hiện ngày càng rộng rãi ngôi đình và tín ngưỡng Thành hoàng làng, khiến cho làng xã có bước biến chuyển lớn. Làng xã ngày một mở rộng cả về dân số, lãnh thổ và việc thực hành tín ngưỡng, cũng như sự tăng cường quyền lực. Quá trình phát triển hoạt động tín ngưỡng Thần Linh Lang gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển làng xã nơi đây, để lại kho tàng di sản văn hóa quý giá vẫn có giá trị trong cuộc sống ngày nay” - GS.TS Đinh Khắc Thuân cho biết.
Hiện nay, toàn TP Hà Nội có 269 di tích thờ Linh Lang Đại Vương thì quận Long Biên có 13 di tích, cơ bản là đình làng, trong đó 11 di tích đã xếp hạng (9 di tích cấp quốc gia, 2 cấp TP). Lễ hội Trường Lâm đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; nghi thức “Kéo co ngồi” đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện nhân loại.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích thờ Linh Lang Đại Vương được quận Long Biên đặc biệt quan tâm. Tại các di tích thờ Linh Lang Đại Vương, hàng năm đều tổ chức lễ hội truyền thống thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về trẩy hội.
Quận Long Biên cũng thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa với nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, các tỉnh, thành khác và nước bạn Hàn Quốc. Ngày 8/3/2025, quận Long Biên tổ chức chương trình nghệ thuật Giao lưu trình diễn di sản văn hoá phi vật thể “Linh Lang - Khí thiêng hội tụ - Long Biên tỏa sáng”, tôn vinh giá trị lịch sử, nét tinh hoa văn hóa và biểu hiện niềm tin, khát vọng của Nhân dân trong cuộc sống.
Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển công nghiệp văn hóa
Bên cạnh những điểm sáng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích thờ Linh Lang Đại Vương tại quận Long Biên vẫn còn những tồn tại. Cụ thể, tính thiêng của hội cổ truyền thờ Linh Lang Đại Vương đang có nguy cơ bị suy giảm, thậm chí, trong một số trường hợp còn bị biến đổi lệch lạc dẫn đến nhận thức mạch nguồn truyền thống, nguy cơ mất đi bản sắc dân tộc. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều lý do như tác động của cuộc sống hiện đại hóa (khoa học công nghệ, truyền thông xã hội…), đô thị hóa, mặt trái của cơ chế thị trường...
Chương trình nghệ thuật giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể "Linh Lang - Khí thiêng hội tụ - Long Biên tỏa sáng". Ảnh: Phạm Hùng
Ngoài ra, việc xây dựng chương trình quảng bá từng di tích, chuyên đề về Linh Lang Đại Vương vẫn còn yếu, mỏng, mới sơ bộ áp dụng chuyển đổi số. Quận chưa xây dựng được đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên địa bàn phục vụ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa.
Từ thực tiễn đó, nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Xuân Đính đồng tình đề xuất xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên địa bàn quận Long Biên phục vụ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa”. Trong đó, nội dung cốt lõi là quy hoạch các di tích, bảo tồn các bức vẽ, phù điêu mang tính biểu tượng của Linh Lang - Thần Rắn trong các di tích; bảo tồn các nghi thức diễn xướng, bảo tồn - phục chế các vật dụng, đạo cụ mang tính biểu tượng trong các nghi thức của hội. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đính hướng hình thành các tour du lịch chuyên đề Linh Lang và du lịch di tích trọng điểm gắn với sinh thái.
Theo TS Nguyễn Doãn Minh - Viện nghiên cứu Kinh Thành, để hình thành nên không gian văn hóa tâm linh chung thờ đức thánh Linh Lang trên địa bàn quận Long Biên, cần sự nghiên cứu đầu tư một cách bài bản của nhiều cơ quan chuyên môn. Đặc biệt khi đã hình thành, để duy trì bền vững cần sự chung tay của cả cộng đồng cư dân tạo nên hình thái bảo tồn và phát triển tổ chức không gian của các điểm di sản. Đây là tiền đề sẽ mang lại hiệu quả cao trong phương diện bảo tồn bền vững và phương diện phát huy giá trị di sản.
Tái hiện lễ rước Linh Lang Đại Vương. Ảnh: Phạm Hùng
PGS.TS Dương Văn Sáu - Đại học Văn hóa cho biết, tổ chức các lễ hội truyền thống gắn với việc tái tạo các sinh hoạt văn hóa cổ truyền có liên quan đến việc tôn thờ Linh Lang Đại Vương. Đặc biệt là tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch gắn với việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa kéo co ngồi đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại; mời các đội kéo co ở các địa phương trong cả nước về tham dự liên hoan kéo co thường niên. Đối với 13 di tích có thờ Linh Lang Đại Vương, cần có kế hoạch giao lưu, trình diễn các nghi thức tôn thờ Đức Thánh của các địa phương để làm phong phú các nghi thức tôn thờ Linh Lang Đại Vương.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi - Viện Sử học cho rằng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các di tích thờ Linh Lang Đại Vương phải gắn với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó cần chú ý cải biến các hình thức tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa bằng cách áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nghệ thuật hóa sân khấu di sản văn hóa và gắn kết các di tích trong khu vực nói chung, các di tích thờ Linh Lang trên địa bàn quận Long Biên nói riêng.
Hồng Giang