Hành trang lữ khách

Hà Nội kích cầu du lịch bằng những ưu đãi từ hệ thống khách sạn cao cấp

Cập nhật: 22/05/2025 11:22:22
Số lần đọc: 33
Năm 2025, ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu đón 31 triệu lượt khách với trên 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Để góp phần hoàn thành mục tiêu này, hệ thống khách sạn cao cấp trên địa bàn Hà Nội đồng loạt tổ chức chương trình giảm giá, qua đó hút du khách đến Hà Nội.


Khách sạn đồng loạt tung ưu đãi

Thông tin từ hệ thống khách sạn cao cấp trên địa bàn Thủ đô cho thấy, để hút khách du lịch các khách sạn đã đưa ra nhiều gói dịch vụ với mức giá ưu đãi. Đáng chú ý, nhiều khách sạn áp dụng mức giảm giá sâu như: khách sạn Lotte Hotel Hanoi giảm 40% giá phòng, khách sạn L7 Westlake ưu đãi 50%, Khách sạn Pan Pacific, JW Marriott, InterContinental Westlake… cũng đang triển khai các combo phòng - ẩm thực - thư giãn hấp dẫn.

Khách sạn Novotel Hanoi Thai Ha và Novotel Suites Hanoi triển khai gói "Hanoi Harmony Package" dành cho gia đình, bao gồm một đêm lưu trú, bữa sáng và tối cho 2 người lớn và 2 trẻ em. Đặc biệt, trong Tuần lễ Gia đình Việt Nam từ ngày 22- 29/6, các khách sạn sẽ tung ra các gói sản phẩm nghỉ dưỡng riêng biệt cho các gia đình với mức ưu đãi giảm giá 50%.

Du khách đặt phòng tại khách sạn Thắng Long Opera. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Kinh doanh và phân phối khách sạn Novotel Hà Nội Nguyễn Thị Việt Thu cho biết, đơn vị đã xây dựng sản phẩm ưu đãi về giá tới 40% vào cuối tuần cho gia đình 4 người (trẻ dưới 16 tuổi) gồm các dịch ăn uống, trải nghiệm hoạt động tại khách sạn. Tương tự, Trợ lý Giám đốc Kinh doanh khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi Lê Hồng Vân chia sẻ, đơn vị đã xây dựng gói dịch vụ “VIP voucher”, đưa du khách tham quan khách sạn với những câu chuyện lịch sử thú vị. “Khách sạn Metropole với gói "Enchanted Holiday", mang đến kỳ nghỉ đẳng cấp đi kèm trải nghiệm tour tham quan "Con đường lịch sử và hầm tránh bom Metropole" miễn phí của khách sạn” - bà Vân thông tin.

Tại khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều cơ sở lưu trú hạng sang cũng có chương trình kích cầu. Quản lý khu resort Melia Ba Vì Hoàng Văn Phương cho biết, đơn vị triển khai chính sách khách đến nghỉ được trải nghiệm nhiều hoạt động tham quan, đặc biệt là cắm trại, teambuilding miễn phí. Còn khu nghỉ dưỡng Glory Resort (Sơn Tây) áp dụng chương trình giảm giá một số ngày để thu hút khách lưu trú ở lại lâu hơn.

Nhân viên khách sạn chuẩn bị phòng đón khách du lịch. Ảnh: Hoài Nam

Đánh giá hiệu quả việc các khách sạn giảm giá thuê phòng mang lại, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, thông qua chương trình giảm giá thuê phòng và dịch vụ khách sạn, ngành du lịch kỳ vọng sẽ nâng cao công suất sử dụng phòng, đồng thời lan tỏa thương hiệu du lịch Hà Nội, tạo ra chuỗi sản phẩm hấp dẫn cho du khách. “Chương trình không chỉ nhằm giải quyết hút khách mà còn là bước đi chiến lược để Hà Nội tiếp tục định vị là trung tâm du lịch cao cấp, với dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, trải nghiệm tinh tế, và mức giá…hợp túi tiền” - ông Minh nhấn mạnh.

Kết nối nâng cấp hệ thống khách sạn hút khách chất lượng cao

Mặc dù các khách sạn trên địa bàn Hà Nội đang đồng loạt tổ chức hoạt động khuyến mại thu hút khách, nhưng các chuyên gia du lịch cho rằng về lâu dài cần nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh kết nối tổ chức kích cầu hạn chế hiện tượng “mạnh ai nấy làm”.

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2025 ngành du lịch Thủ đô đã đó được 2,538 triệu lượt khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2024, trong đó khách quốc tế đạt 1,851 triệu lượt, tăng 21,3%. Hà Nội có 3.761 cơ sở với hơn 71.000 phòng. Trong đó, 85 khách sạn và khu căn hộ đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao, cung cấp gần 12.000 phòng chất lượng cao. Công suất sử dụng phòng bình quân 4 tháng đầu năm đạt 61,6%.

Nhân viên khách sạn khách sạn Sofitel Legend Metropole phục vụ khách lưu trú. Ảnh: Hoài Nam

Phản ánh về những bất cập của hệ thống khách sạn Hà Nội trong quá trình phục vụ khách, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học KHXHNV Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long cho biết, nhìn chung cơ sở vật chất lưu trú du lịch Thủ đô đang thiếu khách sạn 4-5 sao, chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch hạng sang.

Để khắc phục những bất cập này, các cơ sở lưu trú cần nâng cao chất lượng dịch vụ. Cụ thể, bên cạnh việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên. Bên cạnh đó, để du khách ở lại lâu, cơ sở lưu trú cần xây dựng bản đồ du lịch tour các điểm tham quan gần nhất để khách có thêm những hoạt động trải nghiệm.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Đỗ Hồng Xoan cho rằng, thời gian tới các đơn vị cần đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng ứng dụng thiết kế xanh, sử dụng năng lượng tái tạo từ đó tăng tính thân thiện với môi trường. Đầu tư khu giải trí và thư giãn spa, gym, hồ bơi vô cực, sky bar… giúp khách hàng tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ. Đặc biệt, các khách sạn đẩy nhanh tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại trong check-in và check-out giúp khách làm thủ tục nhanh chóng, đồng thời nên áp dụng ưu đãi, quà tặng cho khách VIP, từ đó nâng cao tỷ lệ khách quay lại.

Khách sạn InterContinental Hanoi một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao của Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

 “Hiến kế” để hệ thống khách sạn góp phần hút khách du lịch chọn Hà Nội làm điểm đến Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, các khách sạn nên đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên kết qua đó đưa ra được một chương trình giảm giá chung cho toàn hệ thống lưu trú. “Hoạt động này không chỉ mang tính kích cầu du lịch mà còn có tác dụng quảng bá thương hiệu hệ thống cơ sở lưu trú Thủ đô tới du khách quốc tế” - ông Thản nhấn mạnh.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để nâng cao chất lượng khách sạn hạng sang trên địa bàn, thời gian tới ngành du lịch Thủ đô không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích khách sạn tung ra các sản phẩm ưu đãi, mà còn triển khai chiến dịch truyền thông, qua đó hỗ trợ hệ thống khách sạn nâng cao nhận diện. Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội sẽ làm “cầu nối” xây dựng mối liên kết giữa hệ thống khách sạn với hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, cơ sở dịch vụ ăn uống và vui chơi giải trí...

“Thông qua hoạt động liên kết, du lịch Hà Nội sẽ hình thành các gói sản phẩm trọn gói, giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn, đồng thời tạo hiệu ứng cộng hưởng, phát huy tối đa tiềm năng du lịch của Thủ đô” - bà Giang nhấn mạnh.

Lê Nam

Nguồn: Báo Kinh tế đô thị - kinhtedothi.vn - Đăng ngày 22/05/2025

Cùng chuyên mục