Hà Nội: Sân chơi phiêu lưu - không gian sáng tạo dành cho trẻ em
Trẻ em vui chơi tại Sân chơi phiêu lưu Bãi giữa sông Hồng (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).
Sân chơi phiêu lưu là gì?
Năm 2014, những mô hình sân chơi cộng đồng xuất hiện tại các khu tập thể cũ hay các không gian công cộng ở Hà Nội, do doanh nghiệp xã hội Think Playground (Nghĩ về sân chơi trong phố) phối hợp với cộng đồng địa phương xây dựng, đã thay đổi nhận thức của nhiều người về sân chơi cho trẻ em và sự cần thiết phải đưa sân chơi thành một trong những thiết chế quan trọng trong khu vực dân cư, khu đô thị. Tháng 6-2019, mô hình sân chơi phiêu lưu đầu tiên xuất hiện tại Khu đô thị Ecopark. Cho đến nay, Hà Nội mới có vài mô hình như vậy trong tổng số 200 sân chơi cộng đồng.
Trên thế giới, mô hình sân chơi phiêu lưu lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1943, tại Đan Mạch, ban đầu được gọi là “sân chơi phế liệu” bởi các đồ chơi ở đây đều được làm từ vật liệu tái chế. Giai đoạn 1950 - 1980, mô hình này đã phát triển mạnh mẽ ở Anh, Đức, Thụy Sĩ... và hiện đã lan sang các nước châu Á. Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 1.000 sân chơi phiêu lưu, trong đó, Nhật Bản có số lượng lớn nhất với 400 sân chơi. Sân chơi phiêu lưu có tính chất khác biệt với các sân chơi thông thường khi phải bảo đảm 3 nguyên tắc: Được xây dựng bởi trẻ em, cho trẻ em và vì trẻ em; Mở cửa miễn phí; Có sự tham gia của cộng đồng. Để nhận diện sân chơi phiêu lưu, người ta căn cứ vào hệ thống thiết bị cơ bản như hệ dây, hệ trượt, hệ leo trèo đa chức năng... để trẻ được sáng tạo trong khi chơi mà không gặp nguy hiểm.
Trẻ em vui chơi tại Sân chơi phiêu lưu Bãi giữa sông Hồng (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).
Sân chơi phiêu lưu trong thành phố
Sân chơi phiêu lưu tại Khu đô thị Ecopark là mô hình đầu tiên gần Hà Nội có đủ điều kiện và bảo đảm các nguyên tắc chung về việc xây dựng, thiết kế sân chơi phiêu lưu của thế giới. Tại đây, trẻ em được tham gia cùng người lớn trong các khâu sưu tầm vật liệu, trang trí biển, bảng chỉ dẫn; làm đồ chơi từ vật liệu tái chế... Phụ huynh có thể yên tâm để con mình được tự do nghịch bùn, đào hố, đốt lửa, đóng đinh hay chạy nhảy, leo trèo mà không lo con gặp nguy hiểm. Đó là bởi khi vận hành các trò chơi, mỗi khu vực đều có các “play worker” (công nhân chơi) có nhiệm vụ quan sát, hỗ trợ, bảo đảm an toàn để trẻ em có thể tự do khám phá và cùng phụ huynh xây dựng, cải tạo sân chơi.
Tại Khu vui chơi Xóm Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên), đội ngũ sáng lập gồm những người Pháp và người Việt Nam có chung mong muốn tạo ra một không gian vui chơi an toàn, giúp trẻ em thành phố được hòa mình vào thiên nhiên và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau. Khu vui chơi Xóm Bắc Cầu được xây dựng bằng vật liệu tái chế có sẵn trong khu vực. Tới đây, trẻ em được chơi với chó, mèo, rùa, cá; tìm hiểu về cây cối hay chơi các trò chơi vận động. Đặc biệt, chính các thành viên sáng lập cũng là những “play worker”, cùng chơi và hướng dẫn các em đọc sách, vẽ tranh... Bà Emily Guillet (quốc tịch Pháp), một trong ba thành viên sáng lập chia sẻ: “Khu vui chơi Xóm Bắc Cầu được mở hằng ngày và miễn phí cho trẻ em. Mục đích của chúng tôi là giúp các em được hòa mình vào thiên nhiên, được tự do khám phá, giao tiếp với người nước ngoài và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, qua đó giúp các em phát triển bản thân...”.
Trẻ em vui chơi tại Sân chơi phiêu lưu Bãi giữa sông Hồng (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).
Còn tại huyện Đông Anh, doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds đã đồng hành cùng người dân, xây dựng hai mô hình sân chơi phiêu lưu. Đó là Khu vui chơi thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà) - nơi trẻ em được thỏa sức sáng tạo với 150 chiếc lốp ô tô đã qua sử dụng. Với ý tưởng sáng tạo độc đáo của mô hình này, năm 2019, Think Playgrounds đã được UNESCO trao giải Ba trong Cuộc thi The art of recycle (Nghệ thuật tái chế). Mô hình thứ hai là Sân chơi phiêu lưu - Vườn cộng đồng tổ 46, thị trấn Đông Anh, được xây dựng với sự hỗ trợ của Viện Goethe và sự phối hợp giữa Think Playgrounds, người dân cùng chính quyền địa phương. Chỉ với khoảnh đất rộng 200m2 nhưng trẻ em có khu vui chơi riêng với các thiết bị làm từ vật liệu tái chế, còn phụ nữ cùng nhau trồng rau và các loại thuốc nam trên phần đất còn lại. Đây là mô hình kiểu mới, được người dân nhiệt tình đón nhận.
Cộng đồng - “chìa khóa” phát triển bền vững
Cho tới nay, tại Việt Nam đã có gần 200 sân chơi cộng đồng hoạt động theo mô hình của Think Playgrounds và ngày càng có nhiều sân chơi quan tâm đến yếu tố “phiêu lưu” nhằm khuyến khích sự sáng tạo và phát triển toàn diện của trẻ em. Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng có thể duy trì lâu dài. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến cộng đồng dân cư và chính quyền các địa phương. Trong thực tế, mô hình ở Khu đô thị Ecopark đã phải dừng sau 6 tháng hoạt động do người dân không có quyền quản lý khu đất này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đây là trường hợp duy nhất. Các mô hình còn lại đều được xây dựng trên cơ sở gắn với các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu của người dân nên được duy trì khá tốt.
Trẻ em vui chơi tại Sân chơi phiêu lưu Bãi giữa sông Hồng (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).
Đánh giá về cách làm sáng tạo và sự đồng hành của Think Playgrounds với cộng đồng, bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh cho biết: “Với sự giúp đỡ của Think Playgrounds và Viện Goethe, mô hình Sân chơi - Vườn cộng đồng tổ 46 thị trấn Đông Anh đã được hình thành, giúp trẻ em và người dân nơi đây được thụ hưởng nhiều lợi ích. Đây là mô hình kiểu mẫu để chúng tôi tiếp tục nhân rộng với mong muốn trẻ em được phát triển toàn diện cũng như bảo đảm những quyền lợi chính đáng của phụ nữ, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trên địa bàn. Từ mô hình này, tại địa phương đã hình thành thêm những sân chơi cho người lớn, góp phần tăng cường sự gắn kết cộng đồng”.
Qua thực tế triển khai, có thể thấy, những sân chơi công cộng, sân chơi phiêu lưu muốn phát triển bền vững thì không thể thiếu sự chung tay của chính quyền địa phương và cộng đồng, bởi họ là người trực tiếp thụ hưởng. “Mô hình sân chơi phiêu lưu cần tiếp tục được thử nghiệm để có thể “chạm” tới nhiều cộng đồng. Quan trọng nhất là cần có sự thay đổi về nhận thức, có sự đồng hành của chính quyền địa phương để mô hình ngày càng lan tỏa rộng hơn. Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động của các sân chơi phiêu lưu, cộng đồng chính là “chìa khóa” trong việc giữ gìn thiết bị, cải tạo và thiết kế sân chơi phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương. Thực tế cho thấy, cộng đồng nào càng gắn kết và tự xây dựng hoạt động thì các sân chơi sẽ được bảo vệ và duy trì tốt nhất”, Kiến trúc sư Chu Kim Đức, Giám đốc, Đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds chia sẻ.
Linh Tâm