Hà Nội: Trao bằng Di tích lịch sử đình Đạo Ngạn, huyện Chương Mỹ
Đình Đạo Ngạn hiện nay tọa lạc ngay sát tỉnh lộ 419, có quy mô bề thế, nức tiếng trong vùng. Đình có kết cấu theo chữ “Tam” bao gồm các hạng mục: Nghi môn với ba lối đi dẫn vào bên trong, tả hữu mạc là hai dãy nhà chín gian hút tầm mắt, đại bái là hạng mục năm gian hai chái với bốn mái đao cong, phương đình hai tầng tám mái, hậu cung ba gian hai chái bê thế nguy nga; các bộ vì được làm bằng gỗ lim, lợp mái ngói ta, chân tảng đá và các cột cao to sừng sững…
Vào năm 1947, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, nhân dân đã đốt đình để giặc không có cơ sở lập bốt, phục vụ cho công cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trên nền ngôi đình cổ xưa kia, chính quyền cách mạng đã dựng lên các nếp nhà cuốn vòm dùng làm nhà kho chứa lương thực.
Sau này, khi các cuộc kháng chiến thắng lợi, nhân dân địa phương đã tu chỉnh, cải tạo lại nhà kho lương thực thành ngôi đình với công năng thờ cúng Thành hoàng làng để đáp ứng lòng kính ngưỡng của nhân dân với các bậc thánh nhân “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, phụng sự nhà khoa bảng Đặng Đình Tướng.
Hiện nay, hiện vật của ngôi đình còn khá sơ sài, kết cấu kiến trúc giản lược, do đó, việc công nhận Di tích lịch sử đình Đạo Ngạn sẽ là cơ sở, tiền đề để nhân dân và chính quyền địa phương có kế hoạch cụ thể để từng bước tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử; đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm kê, giám định khoa học và bổ sung các hiện vật có trong di tích để phục vụ công tác quản lý.
Cùng với đó, việc được UBND TP Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố sẽ là cơ sở, tiền đề để tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, mở rộng quá trình xã hội hóa, thu hút sự tham gia rộng rãi của các tổ chức xã hội và nhân dân vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn với việc quản lý nhà nước bằng các văn bản pháp quy./.