Hải đăng Kê Gà - ngọn đèn dẫn đường trên biển
Ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam
Ngọn hải đăng Khe Gà (hay còn gọi Kê Gà) khởi công xây dựng từ tháng 2 năm 1897, do một kỹ sư Sở cầu đường người Pháp tên là Chanavát thiết kế và trực tiếp hướng dẫn, giám sát thi công. Đây là công trình kiến trúc bề thế nhất trong quần thể kiến trúc, lịch sử được xây dựng trên đảo Khe Gà. Năm 1900, Hải đăng Khe Gà chính thức đi vào hoạt động.
Mũi điện Kê Gà (ảnh N. Lân)
Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, trên vùng biển Lâm Đồng hiện nay có nhiều bãi đá ngầm nguy hiểm, đã có rất nhiều tàu thuyền qua lại bị đắm trong khu vực này trước khi Hải đăng Khe Gà được xây dựng. Ngày nay, nhìn trên bản đồ vẫn còn nhiều chỗ đánh dấu xác tàu chìm cách Hải đăng Khe Gà chừng chục km và có chỗ gần hơn. Qua thăm dò, nghiên cứu và giúp tàu bè qua lại xác định được tọa độ, hướng đi an toàn, tránh những tai nạn đã xảy ra, người Pháp đã chọn đảo Khe Gà để xây dựng ngọn hải đăng. Vì đảo có kiến tạo toàn bộ bằng đá, độ cao trung bình hơn các khu vực xung quanh lại nhô ra ngoài biển nên cũng gọi là “Mũi”.
Hải đăng Khe Gà được coi là ngọn hải đăng cao nhất trong hệ thống hải đăng hiện có ở nước ta (ảnh N. Lân)
Vật liệu chính xây dựng nên hải đăng là loại đá hoa cương màu trắng ngà hoặc vàng nhạt. Loại đá này không có ở khu vực trong tỉnh và các tỉnh lân cận mà phải huy động một lượng tàu thủy không nhỏ để chuyên chở từ nơi khác đến. Từ chân lên đến đỉnh hải đăng qua 184 bậc cầu thang xoắn trôn ốc có 1 cửa chính thông lên đỉnh đèn hải đăng - nơi đặt hệ thống đèn tín hiệu và 1 cửa thông ra ngoài.
Với chiều cao 41m tính từ chân đế lên đến đỉnh đèn, Hải đăng Khe Gà được coi là ngọn hải đăng cao nhất trong hệ thống hải đăng hiện có ở nước ta và xếp vào loại cấp đèn I (trong 3 cấp đèn) trong hệ thống đảm bảo an toàn hàng hải ở Việt Nam.
Hải đăng Khe Gà là ngọn đèn dẫn đường cho tàu bè trong và ngoài nước đi lại trong khu vực (ảnh N. Lân)
Giữa chốn hải đảo hoang sơ, tĩnh lặng, theo thời gian, Hải đăng Khe Gà vẫn lặng lẽ hoạt động, đem lại sự bình yên cho tàu bè trong và ngoài nước đi lại khu vực này; báo hiệu và chỉ đường cho tàu thuyền đánh cá của ngư dân địa phương sau mỗi chuyến đánh bắt xa bờ trở về cập bến an toàn. Nó là “mắt biển” dẫn đường cho bao thủy thủ vượt hiểm nguy, như ngọn lửa niềm tin tồn tại bất diệt trong trái tim ngư dân Việt.
Du khách tham quan mũi điện Kê Gà (ảnh N. Lân)
Bức tranh bình yên trên đảo
Khe Gà là một hòn đảo nhỏ yên tĩnh, thơ mộng cách bờ biển xã Tân Thành nơi gần nhất khoảng 500m. Đảo có diện tích khoảng 5 ha, nổi lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình do thiên nhiên khéo tạo nên giữa chốn biển trời, mây nước bao la. Ngay từ thời Nguyễn, tên đảo đã được ghi chép và được coi là một trong những hòn đảo đẹp ở Việt Nam. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép rằng “…Ở phía Tây huyện Tuy Lý cách 52 dặm sát với biển có những hòn đá lớn ngang ra bờ biển. Ở ngoài có hòn đảo tên “Kê Dữ (đảo Gà)…”.
Hàng sứ cổ ở Mũi điện Kê Gà (ảnh N. Lân)
Đứng từ bờ đất liền của thôn Văn Kê nhìn sang, đảo Khe Gà thật nhỏ xinh, với hải đăng sừng sững tựa ngọn Tháp cổ vươn cao giữa trời xanh như thách thức với phong ba bão tố. Đặc biệt, ở trung tâm của đảo được bao phủ một màu xanh thẫm như tôn thêm vẻ đẹp, sức sống và độ bền vững của ngọn hải đăng giữa biển trời lồng lộng. Đó là màu xanh của khoảng 100 gốc sứ cổ thụ (hoa Chăm Pa) do người Pháp trồng trên đảo cùng thời điểm xây dựng hải đăng và những chủng loại cây tự nhiên khác vốn thích nghi với đặc điểm, môi trường sinh thái nơi đây. Bên cạnh đó, hàng trăm bãi đá tự nhiên nhiều hình thù kỳ dị nhấp nhô nối tiếp viền quanh chân đảo trước những con sóng bạc đầu phủ tung trắng xóa.
Thiên nhiên khéo tạo nên một khung cảnh non nước, mây trời hùng vĩ và tươi đẹp. Trên đó di tích lịch sử và thắng cảnh Mũi điện Khe Gà là một kỳ tích vừa mang đậm dấu ấn của tự nhiên, vừa thể hiện được trí tuệ và sức mạnh của con người trong quá trình lao động chinh phục thiên nhiên.
Thùy Linh