Hoạt động của ngành

Hai thái cực của kinh tế du lịch Hội An - Quảng Nam

Cập nhật: 19/07/2023 11:23:56
Số lần đọc: 315
Phục hồi kinh tế du lịch vẫn là nội dung quan trọng được HĐND TP.Hội An quan tâm tại Kỳ họp thứ 9, khóa XII. Bên cạnh những dấu hiệu phục hồi, địa phương cũng nhận diện được thách thức mà doanh nghiệp du lịch đang đối mặt.


Nửa đầu năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách du lịch đến Hội An, nhất là khách quốc tế. Trong ảnh: Hội An tổ chức đón đoàn khách đầu tiên “xông đất” năm 2023. Ảnh: Q.T

Điểm sáng thu hút khách

Đánh giá chung từ cả cơ quan quản lý, chuyên gia quốc tế và phía doanh nghiệp, Hội An là một trong những điểm đến phục hồi lượng khách mạnh mẽ nhất trên bình diện cả nước sau dịch COVID-19.

Sáu tháng đầu năm 2023, Hội An đón hơn 1,88 triệu lượt khách (đã đạt 78% kế hoạch năm 2023). Tổng lượng khách mua vé tham quan tại các điểm đến đạt gần 1,6 triệu lượt. Tổng lượng khách lưu trú ước đạt 725 nghìn lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 1.546 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP.Hội An diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/7, sẽ xem xét Nghị quyết thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dự thảo đồ án, Hội An phấn đấu trở thành đô thị loại II theo tiêu chí đặc thù vào năm 2025. Phát triển Hội An trở thành đô thị bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu. Hội An sẽ là đô thị hạt nhân du lịch trong tam giác di sản quốc tế Hội An - Cù Lao Chàm - Mỹ Sơn. Dân số toàn đô thị năm 2035 khoảng 130 nghìn người, đến năm 2050 khoảng 180 nghìn người.

Một tín hiệu tích cực là trong số 1,88 triệu lượt khách đến Hội An có tới 1,48 triệu lượt khách quốc tế (đạt đến 134% so với kế hoạch), chứng tỏ sức hút của đô thị cổ với khách quốc tế không hề suy giảm sau đại dịch COVID-19.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội An đã tích cực triển khai phương án tăng cường quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An và mở rộng khu “Phố đi bộ và xe không động cơ”. Các thống kê về lượng vé tham quan thu được không nhỉnh hơn nhiều so với trước, nhưng chính quyền địa phương kỳ vọng đây sẽ là nền tảng để xác lập lại hình ảnh khu phố cổ trước đây.

Để thúc đẩy tiến trình phục hồi trong nửa cuối năm 2023, chính quyền thành phố sẽ đẩy nhanh các dự án kinh tế đêm tại biển Tân Thành; các khu đô thị thương mại Thanh Hà, Võng Nhi - Cồn Tiến; nghiên cứu dịch vụ kinh tế đêm phù hợp tại chợ Hội An, khu vực Đồng Hiệp, dọc sông Đế Võng…

Doanh nghiệp du lịch “ngấm đòn”

Các chỉ số du lịch thể hiện ấn tượng cũng không thể khỏa lấp sự khó khăn của một bộ phận doanh nghiệp du lịch địa phương. Sau thời gian tạm ngừng kinh doanh đến khi đi vào hoạt động trở lại, một số cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên hoạt động không hiệu quả do thiếu nguồn nhân lực, lao động chuyên môn cao để vận hành, quản lý còn các villa, homestay từ 1 - 2 sao bị cạnh tranh gắt gao về giá, chi phí đầu vào dẫn đến việc phải chuyển đổi chủ đầu tư.

Thống kê từ UBND TP.Hội An, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có khoảng 10 cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên, 7 biệt thự du lịch (villa), 3 homestay phải chuyển đổi chủ đầu tư. Hiện vẫn còn 211 cơ sở lưu trú tạm nghỉ hoạt động, 50 cơ sở lưu trú đã nghỉ hẳn kinh doanh trong tổng số 1.083 cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố.

Theo chính quyền địa phương, mặc dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng thực trạng trên bắt nguồn từ việc đa số vốn đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch Hội An từ nguồn vốn vay nên áp lực trả lãi vay rất lớn (kể cả lãi vay khi dừng hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19).

Ngoài ra, doanh nghiệp địa phương chưa thực sự hưởng lợi từ các chính sách của Chính phủ trong năm 2020, 2021 về thuế, giảm giá tiền điện, cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chưa hết, dù lượng khách phục hồi nhanh, ấn tượng nhưng chi tiêu của hầu hết dòng khách lại có xu hướng thắt chặt khiến người làm du lịch chật vật hơn.

Tại một cuộc làm việc với đoàn công tác của HĐND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, giai đoạn dịch bệnh đã qua nhưng đây mới là thời điểm hết sức khó khăn của doanh nghiệp vì thấm đòn từ việc kinh doanh trì trệ mấy năm qua.

Nhiều khách sạn muốn vận hành trở lại thì tốn nguồn lực rất lớn để cải tạo cơ sở vật chất nhưng không còn nguồn lực tài chính. Một số khác thì tới kỳ trả nợ nhưng không có khả năng trả, cơ cấu nợ buộc lòng phải bán tài sản để trả nợ. Điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phục hồi du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.

 Quốc Tuấn

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 19/07/2023

Cùng chuyên mục