Hấp dẫn hò bả trạo ở Ninh Thuận
Trang phục trạo quân làng biển Mỹ Nghĩa
Hò bả trạo thể hiện lòng tri ân Ông Nam Hải đã đỡ thuyền vượt cơn sóng dữ và tri ân lòng biển mẹ bao dung cho những mùa tôm cá bội thu. Các điệu hát của hò bả trạo còn thể hiện thể hiện tinh thần lạc quan gắn kết bạn chèo chung tay đưa thuyền vượt qua giông gió cập bến bình an.
Đến với làng biển Mỹ Nghĩa vào tối ngày 17/9/2024, chúng tôi ghi nhận tinh thần trách nhiệm của Đội bả trạo tham gia Tế Thu tại đình làng. Toàn Đội có 17 thành viên, được bố trí như đội hình ngư dân bám biển, gồm các chức danh: Tổng lái cầm chèo dọc là người chịu trách nhiệm hướng dẫn chung toàn Đội. Tổng mũi cầm cặp sanh (sênh) được làm bằng tre già dài khoảng 25cm chỉ huy toàn Đội hoạt động nhịp nhàng. Tổng khoang chịu trách nhiệm tát nước, câu cá, nấu cơm, kéo neo, thông báo giông gió. Và 14 quân trạo làm nhiệm vụ chèo thuyền và hát phụ họa theo nhịp sanh của tổng mũi, tổng lái.
Trang phục truyền thống của Đội chèo hầu là áo rộng cột dây, đầu bịt khăn đỏ, tay cầm mái chèo dài khoảng 1,5mét. Mở đầu buổi diễn, anh Trương Văn Kỳ, phụ trách Tổng mũi cầm cặp sanh gõ hướng dẫn đội ngũ tập hợp chỉnh tề. Tổng mũi cất giọng hát: "Xuân lộ thu sương.Thống niệm thanh hương. Hồng cúc nhất viên. Thượng hạ các cung. Truyền bả trạo khai thuyền hầu lễ". Bả trạo đồng thanh: “Dạ”. Tổng mũi hát tiếp: "Án thượng huy hoàng. Trước mặt thuyền trung. Cẩn thủ sau khoan. Truyền cho trạo quân tề chỉnh hai hàng. Trước án nội nghiêm trang, xếp chèo hầu lễ”…
Tổng mũi Trương Văn Kỳ và Tổng lái Mai Văn Cường điều khiển đội trạo
Quân trạo nghiêm trang đội ngũ chỉnh tế hướng về án thờ tỏ lòng biết ơn ngài Nam Hải độ thuyền bè ra khơi vào lộng an bình, Tổng mũi hát bài “Tam cầu”: "Một cầu chư vi thần linh. Án tiền tạ vị ngoài thời trạo ca, Hai cầu vạn lạch làng ta. Thuận phong đắc lợi vào ra thanh nhàn. Ba cầu câu lưới mùa màng. Đặt làm một vịnh hò khoan nghinh thần”…
Các trạo quân vừa làm động tác chèo thuyền vừa hát hò khoan vui tươi, kể tên các loài cá với ước mong mùa biển tôm cá đầy khoang: "Ngồi buồn kể cá, kể cá một khi. Cá chẳng hay đi là con cá bò. Cha chả là to con cá tai tượng. Hay đi hát xướng là con cá nàng đào. Lấy vá múc rau là con cá cán vá. Đãi lòng thiên hạ là con cá cơm. Xuống vũng mò tôm là con cá mó. Lấy vôi sơn đỏ là con cá bã trầu. Nó giống ai đâu là con cá lạc. Hay đi cờ bạc là con cá sòng. Coi hát quá đông là con cá hố. Lên cây lót ổ là con cá chim. Mua sắm yên cương là con cá ngựa”…
Đội bả trạo thực hiện nghi thức Tế Thu tại đình Mỹ Nghĩa.
Theo anh Võ Khôi Viên, cố vấn nghệ thuật đội hò bả trạo làng biển Mỹ Nghĩa cho biết: “bả” có nghĩa là nắm chắc, “trạo” có nghĩa là mái chèo. Hò bả trạo là hình thức múa hát tập thể được sắp xếp lớp lang, tái hiện không gian ngư dân lao động trên biển. Tổng mũi đứng đầu thuyền hát giữ nhịp đưa con thuyền nhấp nhô lượn sóng. Tổng lái trình diễn các điệu hát tri ân Ông Nam Hải và động viên tinh thần hăng say lao động của trạo quân. Tổng khoang hát các làn điệu vui nhộn tạo tâm lý phấn chấn cho bạn chèo đưa con thuyền qua cơn giông gió. Sau mỗi lời hát của “tam tổng”, quân trạo hò đệm hù… hô… hù.., hù…là… khoan tạo sức mạnh cho toàn Đội nâng thuyền vượt sóng. Hò bả trạo có nhiều điệu hát thể hiện cốt cách hào sảng, tình cảm chân thành, yêu chuộng nhân nghĩa của người dân làng biển. Lớp lang hò bả trạo được ông bà xưa lưu truyền tại làng Mỹ Nghĩa gồm có: Phần nghi lễ do tổng lái, tổng mũi điều khiển Đội trạo làm lễ bải yết. Phần ca ngợi công đức Ông Nam Hải phù hộ ngư dân an lành. Phần Đội trạo nghỉ ngơi do tổng thương hát trước cảnh trời yên, biển lặng. Phần giông bão, bả trạo chung tay gấp rút đưa thuyền vượt qua sóng gió. Phần kết, thuyền về cập bến bình an, quân trạo gác mái chèo, thôn xóm yên vui.
Gốc gác cư dân phường Mỹ Đông hiện nay ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đến đây sinh cơ lập nghiệp từ vài trăm năm trước. Thuở ban đầu chỉ có các tộc họ Trương, Mai, Trần, Nguyễn, Võ… đi ghe bầu ghé lại cửa biển Hải Chữ neo đậu tránh bão. Nhìn thấy vùng biển Phan Rang thuận lợi cho việc làm ăn lâu dài nên các bậc tiền hiền dừng chân lập làng mở ra các làng Mỹ An, Mỹ Phước, Mỹ Nghĩa. Làng Mỹ Nghĩa gồm có hai khu phố 7 và 8 ngày nay có 560 hộ với khoảng 3.000 người dân, bà con bám biển khai thác hải sản, bảo đảm cuộc sống no ấm, an vui. Cùng với việc di dân thì phong tục, tập quán và tên làng tên xóm được ông bà thuở khẩn hoang lập ấp đưa đến vùng đất mới. Ngư dân chung tay xây dựng đình Mỹ Nghĩa làm nơi thờ tự thần hoàng bổn cảnh, lăng Ông Nam Hải. Hò bả trạo là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng được cư dân địa phương trình diễn tại các kỳ cúng đình, nghinh Ông Nam Hải.
Ban Quản lý đình - lăng Mỹ Nghĩa và Đội bả trạo chụp ảnh lưu niệm cùng tấm Bằng công nhận di sản hò bả trạo trong Lễ hội cầu ngư đình - lăng Mỹ Nghĩa là Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh
“Hò bả trạo là loại hình nghệ thuật dân gian có truyền thống lâu đời ở làng biển Mỹ Nghĩa. Hò bả trạo không chỉ là hình thức giải trí dân gian mà còn là tín ngưỡng tâm linh của ngư dân địa phương. Ngày 24/3/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 655 QĐ-UBND, xếp hạng Di sản văn hóa cấp tỉnh hò bả trạo trong Lễ hội cầu ngư đình - lăng Mỹ Nghĩa. Với trách nhiệm Trưởng Ban Quản lý đình - lăng, tôi động viên bà con đoàn kết chung tay gìn giữ hò bả trạo lưu truyền cho con cháu mai sau”, ông Mai Văn Lợi chia sẻ.
Thái Sơn Ngọc