Hoạt động của ngành

Hậu Giang: Phát huy giá trị di tích lịch sử

Cập nhật: 08/12/2020 08:34:37
Số lần đọc: 926
Hậu Giang hiện có 15 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 6 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Hàng năm, các di tích được quan tâm nâng cấp, tu bổ, tôn tạo, để phục vụ cho khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu lịch sử của địa phương.

Một góc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện.

Lưu giữ lịch sử, phục vụ tham quan

Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hàng năm, lượng khách xem triển lãm, tham quan ở hệ thống di tích, phòng truyền thống cấp xã trên 200.000 lượt. Trong đó, hệ thống các di tích lịch sử đón tiếp trên 275 đoàn khách với trên 22.500 lượt người đến tham quan, học tập, trải nghiệm, phần lớn là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức…

Một số di tích còn được chọn tổ chức những sự kiện lớn, thu hút đông đúc người dân trong và ngoài tỉnh đến học tập, nghiên cứu. Từ đó, việc chuẩn bị đội ngũ thuyết minh phục vụ khách đến tham quan, học tập được quan tâm. Cùng với đó, hệ thống di tích luôn được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp để đảm bảo công tác bảo tồn và phục vụ Nhân dân. Bảo tàng tỉnh còn tổ chức sưu tầm trên 300 hiện vật để bổ sung vào kho lưu trữ hiện vật của đơn vị. Dù các hiện vật này vẫn chưa có nơi để trưng bày phục vụ người dân, nhưng công tác sưu tầm được chú trọng, nhằm lưu giữ những hiện vật có giá trị về thời gian, văn hóa, lịch sử…

Không chỉ là nơi lưu giữ giá trị lịch sử, phục vụ công tác học tập, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh còn là điểm đến để tham quan, trải nghiệm thú vị. Từ đó, việc đầu tư và mở rộng cũng là cách để từng bước phát huy giá trị các di tích, khai thác “du lịch đỏ” một cách hiệu quả. Chị Lê Thị Thu Hà, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: Đội ngũ thuyết minh ít, nên mỗi người phải tự sắp xếp thời gian, đảm bảo giới thiệu được hết những điểm đến. Khách tham quan thường đến vào những ngày nghỉ, lễ, nên việc phục vụ cũng phải đảm bảo. Ở mỗi điểm di tích, ngoài bám sát bài thuyết minh, mỗi người phải tự nghiên cứu từ nhiều tài liệu để có thêm những câu chuyện hay liên quan đến lịch sử, lưu lại những dấu ấn riêng cho từng du khách ở các độ tuổi phù hợp.

Đầu tư cho di tích

Hậu Giang đang bắt tay đầu tư xây dựng Di tích Chiến thắng Chày Đạp, Nhà trưng bày cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Di tích lịch sử Căn cứ Khu ủy, Quân khu ủy Khu 9, để những nơi này ngoài việc lưu giữ lịch sử, còn là những điểm đến để khai thác du lịch.

Trong những cuộc họp để thông qua các dự án đầu tư cho di tích, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Khi đầu tư cần hướng đến giá trị lịch sử lẫn phục vụ du lịch trong tương lai. Từ đó, cần phải có sự tính toán kỹ, từ địa thế đến việc sưu tầm hiện vật, bố trí không gian trưng bày… Để người đến đây tham quan, học tập, nghiên cứu không chỉ có thêm nhiều kiến thức hay mà còn tận hưởng không gian êm đềm đặc trưng của miền sông nước, với không khí trong lành, thoáng đãng.

Hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư đang là lợi thế lớn để phát triển du lịch, tuy nhiên trong thời gian qua, các điểm đến này chỉ đón khách chủ yếu từ các sự kiện được tổ chức tại đây. Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Hậu Giang chưa có nhiều tua tuyến đưa khách đến đây cũng như các tuyến từ các tỉnh, thành khác. Mặt khác, việc đầu tư, tu bổ hệ thống di tích vẫn chưa “chạy đua”  kịp với việc xuống cấp; đường giao thông đến một số di tích chưa hoàn thiện. Chúng tôi rất mong tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp. Cùng với đó là việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để tổ chức nhiều hơn những tua trải nghiệm, học tập…”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục