Non nước Việt Nam

Hòa quyện nghệ thuật sơn mài phương Đông

Cập nhật: 28/03/2022 05:01:04
Số lần đọc: 876
Triển lãm “Câu chuyện phương Đông” của Tiến sĩ, họa sĩ Triệu Khắc Tiến, Phó Trưởng khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (Hà Nội) từ nay đến hết ngày 24/4.  


Ngoài hệ thống vóc kỹ thuật sơn mài gồm 55 tấm, dụng cụ vẽ tranh sơn mài Việt Nam và Nhật Bản, ảnh tư liệu, họa sĩ Triệu Khắc Tiến còn trưng bày 29 tác phẩm sơn mài thể hiện sự giao thoa, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa làng xã, tâm hồn Việt với kỹ thuật và thẩm mỹ Nhật Bản.

Họa sĩ Triệu Khắc Tiến (người đứng giữa) giới thiệu về triển lãm “Câu chuyện phương Đông” với khách tham quan.

Tiến sĩ, họa sĩ Triệu Khắc Tiến sinh năm 1977, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống hội họa. Anh từng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ mỹ thuật tại Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo (Nhật Bản). Nhờ sự chỉ dạy, giúp đỡ và truyền cảm hứng của họa sĩ lão thành Đoàn Văn Nguyên và Giáo sư Arisumi Mitamura (Khoa Sơn mài, Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo), anh đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật sơn mài. Với anh, sơn mài là chất liệu tạo hình có sự cuốn hút mạnh mẽ, luôn ẩn chứa những yếu tố bất ngờ, độc đáo từ quy trình vẽ khắt khe, nghiêm ngặt đến quá trình phủ, mài ngẫu hứng, tùy biến.

Trong triển lãm “Câu chuyện phương Đông”, Tiến sĩ, họa sĩ Triệu Khắc Tiến giới thiệu các tác phẩm vừa cô đọng, vừa gợi mở, đậm chất thiền, như: “Nhất tâm”, “Thần đạo”, “Rồng xuân”, “Giao mùa”, “Miền nhớ”, “Chạng vạng”,… Trong đó, có những bức rất độc đáo được họa sĩ vẽ đầu năm 2022. Đó là bức “Nhất tâm”, lấy cảm hứng từ một triết lý Phật giáo - “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Tác giả đã thử nghiệm sử dụng các kỹ thuật của sơn mài Nhật Bản: Kawari-nuri, maki-e, nhằm tạo chất đa sắc cho các lớp màu dưới, đồng thời tách biệt nhân vật chính khỏi hậu cảnh. Hay bức “Quê nhà” đem đến cảm nhận về làng quê thân thuộc với hình bóng mẹ già, cánh diều, rặng tre, ngọn cỏ nhẹ trôi trong miền đêm tĩnh mịch. Tác giả đã sử dụng thủ pháp bokashi (viền mờ) kết hợp lớp vàng xay ken bạc siêu mịn, tạo hiệu quả tương phản mạnh cho phần chi tiết trung tâm và hậu cảnh.

Những tác phẩm khác cũng ấn tượng không kém, như bức “Hội Bồng lai” về một đêm hội đắm say, nổi bật với 3 sắc đỏ, đen và vàng - 3 màu chủ đạo trên bảng màu sơn mài truyền thống. Tác giả sử dụng sơn ta đánh bóng theo kỹ thuật của Nhật Bản là sumi-urushi và roiroaghe (tạo bề mặt nhẵn bóng không tỳ vết, nổi rõ các lớp màu và tạo chất bên dưới). Còn bức tranh “Hạnh phúc” cũng được tác giả dùng kỹ thuật đắp nổi taka-makie của sơn mài Nhật Bản kết hợp với vàng quỳ, đồng thời thử nghiệm dùng vàng xay mô phỏng bột vàng hiramefun của Nhật Bản, tạo đường viền nổi bật cho nhân vật trung tâm…

Thưởng thức các tác phẩm trong triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cảm nhận: “Dường như đang có những bước chân thiền nhẹ nhõm của họa sĩ Triệu Khắc Tiến dắt người xem vào cõi an nhiên trong “Câu chuyện phương Đông”. Triển lãm góp một sắc son tươi, một lời dâng miên viễn cho ngôi vị uy nghi mà thân gần, lộng lẫy mà bí ẩn của sơn ta - sơn mài Việt”.

Còn họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đánh giá: “Câu chuyện phương Đông” của họa sĩ Triệu Khắc Tiến như một sự tổng kết quá trình học hỏi, nghiên cứu thực nghiệm dày công để Việt hóa những kỹ thuật đặc thù của kỹ thuật sơn mài truyền thống Nhật Bản bằng chất liệu sơn ta của Việt Nam. Triển lãm cũng khởi đầu của một hành trình đánh dấu những bước tìm tòi mới của họa sĩ khi kết hợp nhuần nhuyễn sự tinh xảo, chi tiết cần có của một nghệ nhân với khả năng biểu cảm mới trong ngôn ngữ tạo hình của một nghệ sĩ đương đại".

Ngô Khiêm

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 27/03/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT