Hồi sinh làng gốm cổ bên bờ sông Hồng (Hà Nội)
Các bạn trẻ hứng thú khi trải nghiệm tại xưởng gốm
Từ làng nghề tưởng chừng thất truyền
Làng Kim Lan có tên Nôm là Kẻ Sươn, nằm ở cửa ngõ phía Đông của thành Đại La, là nơi tiếp thu tinh hoa văn hóa từ nhiều vùng miền khác nhau, tạo cho người dân nơi đây sự nhạy bén, nhanh chóng tiếp cận với nhiều nghề thủ công độc đáo, mà một trong số đó chính là nghề làm gốm.
Trong trận lụt lịch sử của đồng bằng Sông Hồng năm 1971, một nửa diện tích làng Kim Lan bị sạt lở. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, người dân dần phát hiện ra nhiều cổ vật có giá trị dưới lòng đất. Ông Nguyễn Việt Hồng (sinh năm 1936) là người đi đầu trong công tác thu nhặt, nghiên cứu và bảo quản những mảnh gốm cổ ấy. Theo lời ông kể, mới đầu người dân không biết mảnh gốm họ nhặt được là cổ vật của cha ông nên chỉ cầm lên ngắm rồi vứt hoặc cho trẻ con chơi, chỉ có gia đình ông giữ lại để nghiên cứu. Sẵn sự am hiểu về gốm, cộng thêm vốn chữ Hán tự học, ông dần phát hiện ra những mảnh vỡ tưởng như đồ bỏ đi đó lại có niên đại cách đây hơn 10 thế kỷ.
Từ năm 2001, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành các cuộc khai quật trên quy mô lớn, thu được nhiều di vật quý với đa dạng chủng loại, chứng minh làng Kim Lan có nghề nung đất từ rất sớm, bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ VII - VIII và hưng thịnh nhất từ thời nhà Trần (thế kỷ XIII) với hàng loạt sản phẩm được xuất khẩu sang nước ngoài hoặc vận chuyển đường biển vào miền trong.
Một thời hưng thịnh như thế, nhưng gốm sứ Kim Lan cũng đã từng bị mai một, tưởng chừng như sẽ thất truyền. Đến thế kỷ XVIII, do hết đất trắng, các sản phẩm bằng đất sành chỉ có thể bán ra với giá rẻ, thu nhập không ổn định, dân làng đều bỏ nghề để chuyển sang canh tác nông nghiệp, những sản phẩm gốm tinh xảo dần bị vùi sâu vào lòng đất. Mãi đến hơn 200 năm sau, gốm Kim Lan mới được hồi sinh. Từ những năm 1980, nhiều hộ dân ở Kim Lan bắt đầu “đỏ lò” nung gốm. Theo lời ông Nguyễn Việt Hồng, trong giai đoạn này, toàn làng có tới hơn 500 lò gốm hoạt động. Nhưng cũng chính bởi thời gian quay trở lại thị trường chậm trễ, gốm Kim Lan lúc bấy giờ bị coi như một sản phẩm “ăn theo”, nhiều hộ gia đình phải sản xuất dưới thương hiệu Bát Tràng. Chưa tự có thương hiệu riêng, lại phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, dần dần, các lò gốm phải đóng cửa, người dân cũng bỏ sang Bát Tràng làm thuê, còn rất ít hộ gia đình trụ lại.
Những người thợ làng Kim Lan chăm chút trên từng sản phẩm
Đến sản phẩm OCOP 4 sao
Đến năm 2009, gốm Kim Lan được cấp giấy chứng nhận thương hiệu, với logo riêng để các hộ gia đình có thể in trên sản phẩm. Năm 2010, UBND TP Hà Nội công nhận làng gốm Kim Lan là Làng nghề truyền thống. Cùng với sự giúp đỡ của tiến sĩ người Nhật Bản Nishimura (người dân vẫn gọi thân thương với cái tên Nishi), năm 2013 Bảo tàng Lịch sử Kim Lan được khánh thành với gần 300 hiện vật khảo cổ do gia đình ông Hồng và bạn bè cung cấp, trở thành bảo tàng cấp xã đầu tiên của Việt Nam. Đặc biệt, trong các năm gần đây, xã chú trọng hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm để dự thi trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố, sản phẩm gốm sứ Kim Lan vinh dự được gắn OCOP 4 sao. Từ đây, làng gốm Kim Lan đã thực sự sống dậy.
Nói về sự hồi sinh mạnh mẽ của nghề gốm ở Kim Lan, bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Kim Lan phấn khởi: “Toàn xã hiện có khoảng 500 hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã mua bán, dịch vụ, sản xuất kinh doanh gốm sứ, đáp ứng việc làm cho hơn 3.500 lao động. Những năm gần đây, gốm sứ Kim Lan đã có những chuyển biến tích cực, số hộ sản xuất hàng sứ xuất khẩu ngày càng nhiều. Hiện nay, có khoảng 70% người lao động tại làng Kim Lan tham gia làm gốm. Giá trị kinh tế từ gốm sứ mang lại mỗi năm ước khoảng 500 tỉ đồng, chiếm hơn 75% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã”.
Theo sự giới thiệu của bà Nguyễn Thị Huệ, chúng tôi đến thăm xưởng gốm Nguyên Hằng và được trò chuyện cùng nghệ nhân Phạm Văn Nguyên - người giữ kỷ lục với sản phẩm gốm vuốt tay lớn nhất Việt Nam, anh chia sẻ, là một người con của làng Kim Lan, anh đã chứng kiến cha và ông mình phải vật lộn, đứng ra chèo chống để giữ nghề gốm thủ công. Càng chứng kiến những thăng trầm cùng với khó khăn trong việc giữ nghề, anh lại càng vững niềm tin rằng nghề gốm ngàn năm của làng Kim Lan không thể biến mất mà sẽ ngày càng phát triển. Thế hệ kế cận của làng gốm ngày nay có ý thức rất cao trong việc duy trì làng nghề, chính con trai của anh sau một thời gian đi học bên ngoài cũng trở về với nghề gốm của ông cha. Anh kể thêm, mặc dù ngày nay có rất nhiều các sản phẩm men màu sắc bắt mắt, giá thành lại rẻ, gia đình anh vẫn trung thành với gốm men lam, bởi đó là dòng gốm truyền thống của cha ông để lại. Xưởng của anh chủ yếu sản xuất bán thủ công và nung bằng lò ga để cho năng suất cao, mỗi lần nung, lò có thể cho ra 1.500 - 2.000 thành phẩm, tùy kích cỡ. Toàn bộ các sản phẩm của gia đình anh đều gắn logo Kim Lan, vừa khẳng định thương hiệu riêng vốn có, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào đối với làng mình.
Ngày nay, làng gốm Kim Lan đang hướng tới mục tiêu phát triển làng nghề kết hợp với du lịch. Không chỉ có các tuyến xe bus, tuyến đường bộ thuận tiện tới làng, tháng 8 năm nay, du khách có thể lựa chọn du lịch đường sông khi muốn ghé thăm Kim Lan. Ngoài Bảo tàng gốm Lịch sử, mới đây câu lạc bộ gốm Kim Lan còn khánh thành thêm Bảo tàng gốm hiện đại, là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các hộ sản xuất kinh doanh trong làng với nhiều mặt hàng đa dạng, giá cả phải chăng. Đồng thời đây cũng là địa điểm đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm vuốt gốm thủ công truyền thống.
Đến với Kim Lan bên dòng sông Hồng, vào thăm các xưởng gốm đang ngày đêm hoạt động, du khách sẽ cảm nhận được sự đón tiếp của những người thợ chân chất mà nhiệt tình, mến khách như chính sản phẩm của họ, mộc mạc, bình dị nhưng chứa đầy đam mê.
Hoàng Linh - Thanh Mai