Hơn 3.000 bát phở thết đãi du khách tại làng Vân Cù, Nam Định
Từ làng Vân Cù ở Nam Định, những thợ nấu phở lành nghề đã đi khắp cả nước và góp phần tạo dựng hàng trăm quán phở hoặc cơ sở làm bánh phở. Cái tên “Vân Cù” đã trở thành thương hiệu của một loại hình văn hóa ẩm thực là “phở Vân Cù”, từ đó phở truyền thống đã được cộng đồng các địa phương sáng tạo ra nhiều loại phở khác nhau.
Giờ đây, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định, Chi hội Phở Vân Cù đang nỗ lực phối hợp với các bên để tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa ẩm thực gắn với nghề nấu phở, thúc đẩy du lịch tại địa phương và xa hơn là đưa thương hiệu này ra thế giới. Trong đó, chương trình tham quan làng phở Vân Cù và các hoạt động Festival Phở 2024 (diễn ra từ ngày 15 - 17/3/2024) tại tỉnh Nam Định hướng tới tôn vinh, bảo tồn nghề phở truyền thống, khơi gợi tình yêu nghề phở tới thế hệ trẻ.
Các nghệ nhân hướng dẫn du khách trải nghiệm cắt bánh phở.
Sáng ngày 15/3, làng Vân Cù đã đón đông đảo du khách thập phương đến tìm hiểu về câu chuyện nghề phở, trải nghiệm tráng bánh phở thủ công và thưởng thức những bát phở thơm ngon. Trước đó là nghi lễ rước của người dân làng Vân Cù và lễ tế Thánh tại đình làng, thể hiện mong muốn một năm mới với nhiều thành công cho những người con của làng, những người vẫn đang tiếp tục mang phở Vân Cù vươn xa.
Nghệ nhân Cồ Như Thiều - một người làng Vân Cù đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề phở cho biết, Ban Tổ chức đã chuẩn bị gần 5 tạ bánh phở để làm ra hơn 3.000 bát phở phục vụ du khách: "Những sự kiện như thế này rất có ý nghĩa với bản thân tôi và dân làng Vân Cù. Dù làm ăn xa nhưng chúng tôi đã đoàn kết lại, cùng hỗ trợ, học hỏi, bảo ban nhau giữ gìn nghề phở của cha ông. Không chỉ xây dựng quê hương giàu mạnh mà còn cố gắng đưa hương vị phở Vân Cù phát triển ra cả nước và thế giới".
Làng Vân Cù đã nấu hơn 3.000 bát phở để phục vụ du khách trong ngày 15/3
Theo ông Vũ Ngọc Vượng - Chi hội phó Chi hội Phở Vân Cù, người làng Vân Cù trên cả nước sẽ cùng nhau duy trì chất lượng thương hiệu phở Vân Cù, đồng thời mở rộng giao lưu với các hội đầu bếp, hiệp hội du lịch và doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch ở làng Vân Cù. Tất cả các thành viên trong Chi hội, dù ở Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Lâm Đồng, Bình Dương hay TP.HCM… cũng đều giới thiệu về Vân Cù cùng những câu chuyện về ngôi làng.
Chia sẻ tại sự kiện, lãnh đạo UBND xã Đồng Sơn (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) hy vọng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng hành của các nhà tài trợ, nhiều nghề truyền thống của địa phương sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát triển. Trong đó nghề nấu phở tại làng Vân Cù sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá, lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước.
Đông đảo du khách đến với làng Vân Cù (Nam Định) để tìm hiểu nghề phở và thưởng thức những bát phở thơm ngon
Trở lại làng Vân Cù sau hơn 1 năm, ông Lã Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đánh giá nghề phở tại Vân Cù đang phát triển đúng hướng: "Món phở, câu chuyện lịch sử nghề phở và các giá trị văn hóa truyền thống khác tại làng Vân Cù sẽ giúp địa phương này phát triển du lịch, nếu như làm tốt hơn công tác xúc tiến, quảng bá. Yếu tố văn hóa, ẩm thực Nam Định có thể kết hợp với trải nghiệm phong cảnh thiên nhiên tại các địa phương lân cận để tạo thành tour du lịch hấp dẫn du khách".
Dịp này, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định đã tôn vinh các nghệ nhân cao tuổi ở làng Vân Cù. Ban Tổ chức trao giấy chứng nhận cho hơn 50 người làng Vân Cù được sử dụng logo Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định và Chi hội phở Vân Cù, khẳng định các hội viên sẽ phải hoạt động trong khuôn khổ điều lệ của hội nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ẩm thực truyền thống.
Hải Nam