Hương vị mùa nấm tràm
“Lộc trời”
Cơn mưa đầu tháng 9 kéo dài vài ngày làm dịu dải miền Trung khô khát báo hiệu một mùa nấm tràm mới. Khi hơi ẩm bắt đầu lan xuống những tán rừng, chỉ dưới tầng lá mục của cánh rừng tràm (còn gọi là: keo), loài nấm này bắt đầu sinh sôi.
Tiếng xe máy, tiếng người gọi nhau bắt đầu tỏa ra dọc theo các dải đồi phía Tây của tỉnh Quảng Trị - nơi bạt ngàn những cánh rừng tràm. Từng đoàn người nào làn nhựa, nào túi bóng đi bắt đầu từ sáng sớm. Bởi loài nấm này sinh trưởng cũng nhanh mà lụi đi cũng nhanh.
Cây nấm mũm mĩm, tai nấm màu tím nhạt mọc trên thảm lá tràm là đặc điểm dễ nhận biết của loài nấm này.
Len lỏi qua những tán rừng, dưới tán lá tràm mục, những cây nấm bắt đầu nhú lên. Với hình thù bắt mắt, tai nấm màu tím nhạt, tròn và thân nấm nhìn mũm mĩm của cây nấm vừa nhú khiến nhiều người thích thú khi cầm trên tay. Khi phát triển có hình như cái ô xòe rộng, ngả màu nâu vàng.
Những tiếng vui mừng reo lên bất chợt tại góc rừng nào đó khi bắt gặp cây nấm nhú lên. Dùng dao cắt gọn phần chân nấm dính đất, người hái tiếp tục đặt nhẹ nụ nấm vào chiếc làn nhựa. Khoảng 1 tiếng, một người cũng đã hái được vài kilogam nấm.
Một cậu bé thích thú khoe khi hái được những thân nấm mập mạp bên trong cánh rừng tràm.
Chiếc làn đầy ắp nấm được để riêng bên cạnh, chị Nguyễn Thị Viên (xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh) tiếp tục lấy chiếc làn nhựa khác để vào rừng hái nấm. “Hái nhanh tranh thủ còn đi chợ chú ơi, chứ nấm đầu mùa đắt như tôm tươi. Dịch Covid-19 kéo dài thế này thì đây là nguồn thu nhập đáng kể”, chị Viên chia sẻ.
Ở những ngả đường dọc lên các xã phía Tây của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, TP Đông Hà… luôn tấp nập chiếc xe máy chở từng làn nấm đầy ắp xuôi về các chợ hay mang về nhà chế biến thành món ngon.
Người dân len lỏi qua những cánh rừng tràm tìm ''lộc trời'' sau cơn mưa chớm thu dọc dải đất miền Trung.
Nấm trở thành đặc sản và cũng là “lộc trời” dành cho người dân miền Trung sau những ngày giao mùa mưa-nắng. Từ đầu vụ, khi nấm chỉ mới mọc lác đác, một kilogam nấm có giá 60-70.000 đồng và giảm dần khi nấm mọc nhiều hơn. Có người, mỗi ngày kiếm được 1 triệu đồng từ việc hái nấm mang đi bán.
Nhà cách khu vực rừng tràm gần 20km, nhưng từ sáng sớm vợ, chồng anh chị Lê Thị Thương (huyện Gio Linh) đã có mặt tại cánh rừng tràm ở phía Tây của huyện. Chị Thương chia sẻ: Một tháng qua, quán cà phê cũng đóng cửa vì dịch Covid-19 thế nên vợ, chồng cũng phải dè xẻn chi tiêu. Khi bắt đầu mưa xuống, nấm tràm trở thành nguồn thu nhập thay cho quán cà phê của gia đình.
Nghề hái nấm tràm kéo dài khoảng 1 tháng giúp có thêm nguồn thu nhập cho những người dân miền Trung.
“Buổi sáng 2 vợ chồng đi xe máy lên hái, được khoảng 10-20kg thì anh chở vợ về chợ ngồi bán. Còn anh tiếp tục quay trở lại hái nấm. Cũng không cần phải vào chợ, nhiều người quen biết tôi đi hái nên họ đặt trước hoặc chỉ cần ngồi bên vỉa hè bán là có người ghé mua liền. Giờ này, một kilogam nấm bán được 15.000 - 20.000 đồng nên có thêm thu nhập giữa mùa dịch này”, chị Thương vừa nói vừa nhanh tay cạo làm sạch những tai nấm.
Hương vị quê nhà
Mùa nấm tràm cũng dễ nhận biết nhất là khi ven đường, những bà, chị đặt các bì nấm ra bán. Và chỉ thoáng chốc những bì nấm đã bán hết bởi ai cũng muốn được thưởng thức các cây nấm mới nhú béo múp, đăng đắng kia. Nấm tràm sinh trưởng nhiều nhất vẫn ở các tỉnh miền Trung, như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh, thành khác.
Mùa này, trên những con đường phía Tây xuôi về đồng bằng dễ dàng bắt gặp những người dân với chiếc làn đầy ắp nấm.
Nhiều người xem hái nấm trở thành công việc kinh doanh trong vòng đời vỏn vẹn 1 tháng của loài nấm này. Nhưng cũng nhiều người tranh thủ thời gian rảnh, các ngày nghỉ rủ nhau lên rừng hái nấm dùng. Có lẽ, không có gì thú vị hơn khi đi dưới tán tràm, mùi tinh dầu cùng mùi đất ngai ngái sau mưa thoang thoảng, trên tay cầm những cây nấm mũm mĩm, tim tím.
Theo những người dân bán nấm, năm nay giá nấm tràm cũng rẻ hơn so với mọi năm vì phí tiền gửi đi các tỉnh, thành khác đắt và khó khăn. Thế nên, hầu như nấm chỉ bán cho người dân nội tỉnh. Bên góc ngã tư đường, những người bán nấm cho biết: mọi năm giá nấm giao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg vì nấm trở thành món quà quê gửi cho những người con miền Trung xa xứ.
Nấm tràm xào rau khoai lang trở thành món ăn đặc sản của người miền Trung khiến ai xa quê đều nhớ mãi.
Nấm được mang về, rửa sạch sẽ để loại bỏ đất, cát. Chiếc dao mỏng là dụng cụ dễ dàng để gọt bỏ phần nhớt và vỏ lụa tai nấm để bớt đi vị đắng cũng như làm sạch nấm hơn. Nấm được ngâm vào nước muối khoảng 30 phút để loại bỏ những loài kí sinh gây hại cũng như giảm đi nồng độ đắng của nấm.
Bắc nồi nước lớn trên bếp, nấm được luộc qua để tiếp tục giảm độ đắng. Người luộc phải canh sao nấm không bị nát, khi ăn nấm vẫn còn vị dai nhưng mềm, đắng nhưng vẫn béo.
Từ nấm tràm, người dân miền Trung chế biến ra nhiều món ăn dân dã. Từ nấm xào, canh nấm, cháo nấm… và đặc biệt vẫn là nấm nấu với rau khoai lang trở thành một món ăn không thể thiếu của người dân miền Trung mùa này. Lạ ở chỗ, 2 thứ này hòa hợp giảm bớt vị đắng của nấm, nấm cũng làm cho khoai lang ăn dậy mùi thơm hơn, ngọt hơn.
Nấm được làm sạch sẽ, đóng gói để làm quà quê cho những người con miền Trung xa xứ.
Mùa này, có lẽ sau những lời hỏi thăm nhau của người con xa quê là câu hỏi: Đến mùa nấm tràm chưa? Bởi hương vị, cái vị đăng đắng của nấm đã quyện vào tâm hồn của mỗi người dân miền Trung. Giống như sầu riêng, nấm tràm với vị đắng khá lạ đối với người lần đầu thưởng thức, nhưng chỉ vài lần, món ăn từ nấm tràm khiến người ta thèm thuồng, muốn ăn mãi.
Thế nên, nấm sau khi chế biến, được đóng gói cẩn thận, cấp đông trong tủ lạnh rồi gửi đi các vùng đất nước như một món quà quê cho người xa xứ. Nếm vị đắng, mềm của nấm, những người con miền Trung xa xứ có thể cảm thận thấy mùi của lá, của mảnh đất quê hương quyện trong đó, lòng lại rưng rức nhớ đến quê nhà.
Minh Tân