Huyện Mai Châu (Hòa Bình): Khơi nguồn văn hóa để phát triển du lịch
Những tấm vải lanh được vẽ họa tiết bằng sáp ong luôn được du khách yêu thích khi đến xã Pà Cò, huyện Mai Châu.
Người Mông ở Mai Châu sống tập trung tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò. Bà con nơi đây còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như: dệt vải lanh, nhuộm chàm, thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong… Đồng chí Sùng A Màng, Bí thư Đảng ủy xã Pà Cò chia sẻ: Những năm gần đây, người dân đã biết khai thác lợi thế, nhất là những đặc trưng trong văn hóa để phát triển du lịch. Từ hàng rào xếp bằng đá đến kiến trúc nhà ở, không gian trang trí trong từng góc nhỏ của các homestay, trang phục, chữ viết, nhạc cụ dân tộc, nghề truyền thống, nếp sinh hoạt hàng ngày… tạo nên không gian văn hóa đậm đà để du khách đến đây không chỉ nhớ về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn hiểu về truyền thống văn hóa và cuộc sống của người dân.
Đặc biệt từ năm 2017, đồng bào dân tộc Mông đã phục dựng thành công lễ hội Gầu Tào. Đây là lễ hội vừa có ý nghĩa quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con, vừa là điểm nhấn để phát triển du lịch tại địa phương. Ông Delamotte Patrick Marianne - du khách đến từ Pháp sau khi tham quan bản làng và được người dân hướng dẫn cách vẽ sáp ong trên vải lanh đã chia sẻ: Khi đến với Mai Châu và đến Pà Cò, tôi cùng những người trong đoàn đều rất hài lòng. Nơi đây khí hậu trong lành, mát mẻ, người dân thân thiện, nhiệt tình. Chúng tôi được xem người dân tự tay vẽ họa tiết lên vải lanh để tạo những tấm vải đẹp mắt. Tôi rất thú vị và ấn tượng với văn hóa của người dân ở đây”.
Với sự chỉ đạo xuyên suốt qua 3 kỳ đại hội từ năm 2010 - 2025, Đảng bộ huyện Mai Châu đều định hướng xây dựng huyện trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn. Cùng với đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 15 của Huyện ủy về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung vào các lĩnh vực: giữ gìn, bảo tồn văn hóa những nếp nhà sàn truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, hát khắp, múa xòe, múa sạp, nghệ thuật múa keeng lóng và văn hóa ẩm thực độc đáo, nhất là phục dựng 2 lễ hội của đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Thái. Đây được coi là hướng đi đúng, trúng của huyện Mai Châu, được người dân tin tưởng, ủng hộ. Qua đó vừa phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, vừa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các phong tục, tập quán lạc hậu.
Đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Quyết tâm tạo "đòn bẩy” trong phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Mai Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tập trung đào tạo nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; tiếp tục bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến các hoạt động kích cầu du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư… Từ thực hiện hiệu quả những quyết sách quan trọng ấy, "bức tranh" du lịch của huyện Mai Châu đã có nhiều khởi sắc và được Giải thưởng Traveller Review Award bầu chọn là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam vào đầu năm 2023.
Đến thời điểm này, toàn huyện có 22 dự án lĩnh vực du lịch, trong đó 11 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đăng ký trên 846 tỷ đồng. Từ 1 điểm du lịch cộng đồng ban đầu là bản Lác, đến nay, trên địa bàn huyện có 148 cơ sở lưu trú du lịch, 7 điểm du lịch cộng đồng, 12 khách sạn, 28 nhà nghỉ, 106 homesstay, thu hút, tạo việc làm cho trên 1.200 lao động với thu nhập ổn định. Trong năm 2023, huyện Mai Châu đã đón hơn 656 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; trong đó khách trong nước gần 573 nghìn lượt, khách quốc tế trên 84 nghìn lượt. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 673 tỷ đồng.
Tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc, người dân nơi đây đã và đang từng ngày góp sức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, đưa văn hóa trở thành "điểm nhấn” trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Thanh Hạnh