Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024
Ngày hội có sự tham gia của 16 tỉnh, thành phố gồm: Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu khai mạc Ngày hội (Ảnh: Báo Quảng Trị)
Phát biểu tại khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội Trịnh Thị Thủy cho biết, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Khắc ghi lời căn dặn của Bác, trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Việt Nam luôn phát huy tinh thần đại đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Nền văn hóa 54 dân tộc Việt Nam được hình thành và kết tinh trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, những giá trị văn hóa đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt, chất keo kết nối làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những giá trị văn hóa chung, mỗi dân tộc có bản sắc riêng, được sản sinh từ truyền thống lịch sử, từ cảnh quan thiên nhiên, môi trường cư trú... từ đó, hình thành nên những giá trị văn hóa đặc sắc trong ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, mối quan hệ ứng xử, tín ngưỡng truyền thống và nhiều phương thức biểu đạt khác, góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Lãnh đạo và các đại biểu dự buổi lễ (Ảnh: Báo Quảng Trị)
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng và Nhà nước ta xác định trong mọi thời kỳ, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới, hội nhập, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Thiết thực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc. Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị được tổ chức là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Báo Quảng Trị)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam hy vọng, những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, hấp dẫn mà các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đem đến sẽ là những bông hoa tươi góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trong vườn hoa văn hóa nghệ thuật của nước nhà với tinh thần đoàn kết, tự tin, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Điểm nhấn của lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật có chủ đề “Sắc màu hội tụ”, gồm 3 phần: “Quảng Trị anh hùng nối vòng tay bè bạn”, “Sắc màu hội tụ” và “Rạng rỡ Việt Nam”. Chương trình nghệ thuật gồm nhiều tiết mục đặc sắc kết hợp màn hình led và không gian sân khấu 3D làm nổi bật bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và mảnh đất, con người Quảng Trị anh hùng. Chương trình nghệ thuật do 250 nghệ nhân, nghệ sĩ diễn viên các tốp hát, hợp xướng, nghệ sỹ múa của Trung ương, tỉnh Quảng Trị cùng 16 tỉnh tham gia và một số ca sĩ nổi tiếng trình diễn.
Trình diễn nghệ thuật tại buổi lễ (Ảnh: Báo Quảng Trị)
Trong 3 ngày từ ngày 14-16/12, Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương và Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống; Thi đấu các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian dân tộc. Các đoàn cũng tham gia thi kỹ năng du lịch cộng đồng, kỹ năng chào đón khách, kỹ năng thuyết minh, giới thiệu điểm đến du lịch cộng đồng của địa phương. Ngoài ra, Ngày hội còn có hoạt động trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển đất nước”; Triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”…
Ngày hội còn là dịp để các chủ thể văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc được tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tự giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc mình, lan toả niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, từng cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Trung tâm Thông tin du lịch