Non nước Việt Nam

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Cập nhật: 03/07/2025 10:33:55
Số lần đọc: 35
Được UNESCO công nhận lần thứ nhất vào năm 2020 và lần thứ 2 vào năm 2024, Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông là vùng di sản độc đáo với hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á và kho tàng văn hóa đa dạng của hơn 40 dân tộc.


Kỳ quan giữa đại ngàn

Nằm trên cao nguyên M’nông, với diện tích hơn 4.700 km² trải dài trên nhiều địa phương, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là “kho báu” địa chất quý giá của Việt Nam, được UNESCO vinh danh vào năm 2020. Đây là CVĐCTC thứ ba của Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng.

Nét độc đáo nổi bật của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông chính là hệ thống hang động núi lửa Krông Nô – kỳ quan tự nhiên có một không hai ở Đông Nam Á. Hệ thống này được khảo sát với chiều dài khoảng 25 km, gồm nhiều hang động lớn nhỏ như C2, C3, C4, C7, C8... Trong đó, hang C7 nổi bật với chiều dài lên tới 1.200 m được UNESCO ghi nhận là hang dung nham dài nhất Đông Nam Á.

Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô có chiều dài khoảng 25 km với nhiều hang động lớn nhỏ

Theo các nghiên cứu công bố vào năm 2014 bởi các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, toàn bộ hệ thống hang động dung nham Krông Nô trải dài từ miệng núi lửa Buôn Choáh theo dòng sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đ'ray Sáp, tạo thành một chuỗi “mạch ngầm dung nham” độc đáo chưa từng thấy trong khu vực. Trên vách đá vẫn còn lưu lại dấu tích của thực vật bị hóa đá, như những tấm thảm thực vật bị nung chảy rồi hóa thạch giữa dòng dung nham.

Du khách chụp hình kỷ niệm trong hang C3

Du khách khi đặt chân vào lòng hang như bước vào một chiều không gian khác, sâu thẳm, kỳ bí và hùng vĩ. Du khách Nguyễn Văn Pháp đến từ TP. Hồ Chí Minh, sau chuyến khám phá hang C3 và C4 chia sẻ: “Tôi như được xuyên không trở về hàng triệu năm trước. Cảnh quan trong lòng hang quá ngoạn mục, hoang sơ, thâm u nhưng đầy sức sống. Đây thực sự là một báu vật của thiên nhiên”.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ Việt Nam (bên trái) giới thiệu về các hiện vật khảo cổ được tìm thấy trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Không chỉ ghi dấu bởi cảnh quan kỳ thú, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông còn chứa đựng những “di chỉ sống” về lịch sử tiến hóa của loài người.

Trong đó, hang C6 là một điểm khảo cổ quan trọng thuộc xã Nam Đà (trước đây là xã Buôn Choáh), đã phát hiện nhiều dấu tích cư trú của người tiền sử như xương hóa thạch, công cụ bằng đá, mảnh gốm thô sơ... Những di chỉ này cho thấy con người đã từng sinh sống và thích nghi với môi trường núi lửa vùng CVĐC Đắk Nông cách đây hàng chục ngàn năm. Đây là phát hiện có giá trị đặc biệt, mở ra hướng nghiên cứu mới trong ngành khảo cổ học Đông Nam Á.

Những di chỉ này cho thấy con người đã từng sinh sống và thích nghi với môi trường núi lửa trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cách đây hàng chục nghìn năm

Trở ra khỏi lòng đất, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông còn là mái nhà của những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, nơi lưu giữ hệ sinh thái đa dạng, phong phú bậc nhất Tây Nguyên. Những cánh rừng tại Nâm Nung, Tà Đùng, Đ'ray Sáp... vẫn ghi nhận sự hiện diện của các loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ.

Hệ thực vật tại đây cũng phong phú không kém, với hàng trăm loài đặc hữu, từ các loài phong lan rừng đến các loài cây dược liệu quý hiếm.

Không gian văn hóa trong lòng di sản

Điều làm nên sự khác biệt sâu sắc của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông không chỉ nằm ở vẻ đẹp địa chất mà còn ở “phần hồn” văn hóa đặc sắc.

Được mệnh danh là “xứ sở của những âm điệu”, vùng đất này là nơi hội tụ văn hóa của hơn 40 dân tộc gồm: M’nông, Ê đê, Mạ, Kinh, Tày, Nùng, Dao… Tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu, sống động và chân thực.

Không gian cồng chiêng Tây Nguyên vẫn được lưu giữ trong các lễ hội, nghi thức cộng đồng và sinh hoạt hằng ngày của người Ê đê

Không gian cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vẫn vang vọng trong những lễ hội, nghi thức cộng đồng và sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa. Những bài sử thi Ót N’Drông hùng tráng, tiếng chiêng vọng rừng, điệu múa xoang rộn ràng giữa đêm lửa... tạo nên một bản giao hưởng âm thanh đậm chất đại ngàn.

Đến với nơi đây, du khách có thể hòa mình vào đời sống địa phương, trải nghiệm đêm cồng chiêng, học dệt thổ cẩm, nấu cơm lam hay cùng già làng kể sử thi bên ché rượu cần.

CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là nơi hội tụ văn hóa của hơn 40 dân tộc anh em, đã tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu, sống động và chân thực

Một điểm nhấn hiện đại nhưng vẫn đậm chất văn hóa là Bảo tàng Âm thanh - nơi tái hiện âm thanh của thiên nhiên, đời sống và lịch sử qua các không gian nghệ thuật đương đại.

Bảo tàng có 8 phòng theo chủ đề: âm thanh rừng núi, tiếng chim, tiếng nước đến âm thanh của nhạc cụ dân tộc,... Mỗi không gian là một hành trình trải nghiệm đa giác quan, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.

Du khách tham gia trải nghiệm tại Bảo tàng âm thanh

Không chỉ gìn giữ giá trị văn hóa bản địa, CVĐCTC còn tích hợp các địa chỉ đỏ lịch sử như Đường mòn Hồ Chí Minh, các di tích kháng chiến và nghĩa trang liệt sĩ. Hành trình khám phá công viên vì thế không chỉ là cuộc phiêu lưu thiên nhiên mà còn là hành trình tri ân quá khứ, tìm về cội nguồn dân tộc.

Hướng tới phát triển bền vững

PGS.TS Trần Tân Văn, chuyên gia cao cấp của Mạng lưới CVĐCTC UNESCO nhận định: “CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là một trong những công viên địa chất hiếm hoi trên thế giới hội tụ trọn vẹn các yếu tố: di sản địa chất đặc sắc, nền văn hóa bản địa phong phú và cộng đồng cư dân gắn bó sâu sắc với di sản.”

Người dân ở đây không chỉ sống cùng di sản mà còn giữ gìn, kể lại và truyền dạy di sản đó từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là "phần hồn" giúp Lâm Đồng trở thành hình mẫu của sự gắn kết giữa bảo tồn, giáo dục và phát triển sinh kế.

CVĐCTC UNESCO Đắk Nông như một "lớp học lớn ngoài trời", nơi học sinh, sinh viên, du khách và cộng đồng được trực tiếp học hỏi về địa chất, môi trường và văn hóa

Trong hơn một thập niên phát triển, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã khẳng định vai trò như một "lớp học lớn ngoài trời", nơi học sinh, sinh viên, du khách và cộng đồng được trực tiếp học hỏi về địa chất, môi trường và văn hóa. Hàng trăm chuyến tham quan, học tập ngoại khóa được tổ chức mỗi năm, góp phần hình thành ý thức gìn giữ di sản, bảo vệ môi trường và tôn trọng đa dạng văn hóa ngay từ thế hệ trẻ.

Không dừng lại ở giáo dục, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông còn là động lực phát triển kinh tế địa phương. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP gắn với địa chất và văn hóa đã được triển khai giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập và sinh kế ổn định. Người dân không chỉ là cư dân mà còn là hướng dẫn viên, nghệ nhân, người kể chuyện về di sản, là những “người giữ hồn” cho công viên địa chất.

Người dân không chỉ là cư dân mà còn là hướng dẫn viên, nghệ nhân, người kể chuyện về di sản, là những “người giữ hồn” cho công viên địa chất

Hòa An

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 02/7/2025

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT