Khánh Hòa: Khắc họa vẻ đẹp xứ Trầm Hương
Dấu ấn đất và người
Ngày 13-6, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng diễn báo cáo chương trình nghệ thuật tham gia Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc, diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk từ ngày 17 đến 30-6. Chương trình nghệ thuật “Khánh Hòa - miền đất tình yêu và huyền thoại”, gồm 3 chương: Huyền thoại; rạng rỡ vùng đất mới; Khánh Hòa hành trình vươn tới tương lai. Qua đó, đã góp phần khắc họa vẻ đẹp của xứ Trầm Hương trong sợi dây kết nối từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng khi tham gia liên hoan cần tự tin thi diễn hết mình, góp phần giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Khánh Hòa. Để làm được điều đó, quá trình chuẩn bị của đoàn phải thật kỹ lưỡng, nhuần nhuyễn. Với những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao, đoàn cần khẩn trương điều chỉnh, bổ sung những nội dung phù hợp.
Một tiết mục trong chương trình.
Trong chương huyền thoại, khán giả được dẫn dắt về vùng đất Khánh Hòa thuở xưa thông qua các tiết mục Khánh Hòa lung linh huyền thoại, Ponagar - dòng sông huyền sử, Lên tháp cầu an, Khúc tự sự, Tiếng rừng. Ở đó, chúng ta thấy được vẻ đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng đất Khánh Hòa từ thuở sơ khai. Câu chuyện huyền thoại về Thiên Y A na thánh Mẫu cùng với niềm tin bao đời nay của người dân đã được thể hiện mượt mà trong từng lời hát, điệu múa. Màu sắc âm nhạc dân gian truyền thống của các dân tộc được hòa âm, phối khí theo phong cách hiện đại mang đến hiệu ứng tốt đối với khán giả.
Bước sang chương rạng rỡ vùng đất mới, các nghệ sĩ giới thiệu đến mọi người tinh thần đoàn kết, tình yêu và niềm tin của bao thế hệ người dân cùng chung tay xây dựng quê hương Khánh Hòa. Tình cảm đó, tinh thần đó được lưu lại trong mỗi câu thơ, lời hát để làm say đắm những ai trót nặng tình với vùng đất, con người nơi đây. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân Khánh Hòa bằng trí tuệ, sức lao động đã cùng nhau vun đắp cho quê hương phát triển từng ngày. Những điều đó được thể hiện thông qua các tiết mục Khánh Hòa một khúc ca, Non nước đàn trời, Vũ điệu Raglai, Nam quốc sơn hà.
Trong chương cuối, Khánh Hòa hành trình vươn tới tương lai, với những tiết mục trẻ trung, sôi động: Biển gọi, Hòa quyện, Vân Phong thành phố ánh dương, Khánh Hòa kỷ nguyên mới như lời gọi mời bạn bè gần xa hãy đến với vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa để cùng chứng kiến những bước chuyển mình, đổi thay từng ngày. Vẻ đẹp đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, tấm lòng hiếu khách của người dân Khánh Hòa đã được khéo léo truyền tải tới khán giả. Với thông điệp sự đa dạng sắc màu văn hóa và con người hiền hòa, cảnh quan tươi đẹp chính là tiền đề để Khánh Hòa bắt đầu hành trình vươn tới tương lai.
Một tiết mục trong chương trình.
Chương trình có chiều sâu
Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2) theo kế hoạch diễn ra vào giữa năm 2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phải nhiều lần thay đổi thời gian. Để chuẩn bị cho kỳ liên hoan lần này, suốt 2 tháng qua, tập thể Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã tập trung dàn dựng, tập luyện. Có những tiết mục được dàn dựng mới, có những tiết mục do điều kiện kinh phí nên buộc đoàn phải khôi phục lại. Nhưng dù tiết mục mới hay cũ, khi đưa ra biểu diễn trước đông đảo khán giả, đồng nghiệp các tỉnh, thành khác, cũng như với ban giám khảo đều phải thật sự hoàn chỉnh, chất lượng và có thể đạt thành tích tốt nhất. “Tuy gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình nhưng toàn thể nghệ sĩ của đoàn đều nỗ lực, đoàn kết trong quá trình dàn dựng, tập luyện. Chương trình dự thi của đoàn có thời lượng khoảng 90 phút, với 3 chương, 13 tiết mục nên mọi người đều mong muốn được “cháy” hết mình để có một kỳ tham gia liên hoan thành công”, ông Trần Anh Dũng - Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết.
Nhạc sĩ Hình Phước Liên nhận xét, qua theo dõi chương trình tham gia liên hoan của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã thấy rõ sự nỗ lực, tinh thần làm việc nghiêm túc của các ca sĩ, diễn viên, nhạc công. Việc đầu tư dàn dựng các tiết mục, cũng như tổng thể cả chương trình cho thấy sự tiến bộ trong ý tưởng nghệ thuật và cách thức thể hiện các tiết mục. Đoàn đã biết cách phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng của mỗi nghệ sĩ, cũng như hạn chế những điểm không phải thế mạnh của mình. Tất nhiên, vẫn còn những chi tiết trong cách xử lý ca khúc, vũ đạo, phục trang, ánh sáng sân khấu… cần được chỉnh sửa để hoàn thiện thêm. Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của chương trình nghệ thuật này. Bên cạnh phần chuyên môn từ hòa âm, phối khí, dàn dựng, biểu diễn cơ bản được thực hiện tốt thì phần nhìn của các tiết mục về phục trang, đạo cụ, hiệu ứng ánh sáng cũng được quan tâm để làm gia tăng chất lượng nghệ thuật. Nhìn chung, đây là chương trình có chiều sâu cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức biểu diễn nghệ thuật. Mỗi tiết mục nếu tách rời chương trình đều có thể trở thành tiết mục biểu diễn độc lập chất lượng.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng khi tham gia liên hoan cần tự tin thi diễn hết mình, góp phần giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Khánh Hòa. Để làm được điều đó, quá trình chuẩn bị của đoàn phải thật kỹ lưỡng, nhuần nhuyễn. Với những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao, đoàn cần khẩn trương điều chỉnh, bổ sung những nội dung phù hợp. |
Giang Đình