Khơi dậy sức mạnh văn hóa: Phát huy giá trị văn hóa để du lịch Tây Bắc cất cánh
Giới thiệu nét văn hóa đặc sắc trong hội chợ ở Văn Chấn, Yên Bái.
Tài nguyên văn hóa: Cái gốc cho du lịch hấp dẫn và bền vững
Tây Bắc vốn có những đặc trưng hấp dẫn riêng tạo nhiều niềm đam mê cho du khách với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa tộc người đặc sắc và lịch sử hào hùng. Sự hoang sơ của thiên nhiên thuần khiết với cảnh quan núi non tuyệt đẹp và hệ sinh thái phong phú; cùng 32 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với những nét văn hóa tộc người đa dạng và đặc sắc, thú vị và lôi cuốn; nhiều di tích cách mạng, những chiến trường xưa, tất cả tạo nên sức cuốn hút lớn. Việc khai thác những tiềm năng, tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù sẽ làm nên thương hiệu du lịch Tây Bắc, tạo hình ảnh mới cho cả vùng Tây Bắc cũng như cho riêng mỗi tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đặt ra giữa bảo vệ tài nguyên văn hóa và phát triển trong du lịch. Không thể phủ nhận rằng du lịch phát triển tạo ra những điều kiện hồi sinh và phát huy của nhiều hoạt động thực hành văn hóa cổ truyền. Tuy nhiên, cũng nảy sinh nhiều thách thức trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa. Có tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số tự bỏ dần các thực hành văn hóa cũng như sự phong phú của những đường nét riêng định hình bản sắc tộc người của mình. Nguy cơ bản sắc văn hóa nhạt nhòa và mất dần cũng đồng nghĩa với nguy cơ mất đi sức hấp dẫn với số đông du khách muốn tìm hiểu văn hóa, phong tục bản địa. Tính đa dạng văn hóa ở Tây Bắc dù có sẵn, rất đậm ở đời thường nhưng cần được khai thác tốt, làm nổi bật những nét độc đáo riêng của từng dân tộc trong các sản phẩm du lịch, tránh tình trạng các sản phẩm du lịch được dựng theo kịch bản gần như giống nhau. Khi đó du khách dù muốn cũng khó phân biệt được những nét đặc trưng vùng miền hay bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc thiểu số.
Liên kết vùng trong nước, quốc tế
Du lịch là ngành kinh tế đa ngành, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Trong thời toàn cầu hóa, sự phát triển của du lịch không chỉ, không nên sẽ không thể nằm trong một giới hạn hành chính nhỏ hẹp (huyện, tỉnh) mà sẽ phải vươn ra và vươn lên ở mức vùng - miền thậm chí xuyên quốc gia. Điều này càng đúng với kinh tế du lịch Tây Bắc.
Khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử và hội lễ là một trong những xu hướng nổi bật trong phát triển du lịch hiện nay. Liên kết giữa các điểm đến, các địa phương trong khu vực sẽ tạo ra được những tour, tuyến du lịch độc đáo trên cơ sở khai thác những điểm đến nổi bật và khác biệt của từng địa phương. Bên cạnh việc liên kết nội vùng, ngành du lịch các tỉnh Tây Bắc còn cần phải liên kết với những địa phương khác có nhiều đầu mối tập trung về du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... Một hướng khác cũng cần mở rộng là liên kết phát triển du lịch liên quốc gia, nhất là với các địa phương có cửa khẩu quốc tế (Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên).
Muốn mời gọi và “giữ chân” du khách, môi trường trong sạch ở điểm đến là điều tối quan trọng. Từ góc nhìn liên kết vùng trong du lịch, cần nhấn mạnh việc còn phải có liên kết vùng trong việc bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch - cụ thể ở Tây Bắc là bảo vệ rừng và cảnh quan du lịch. Việc liên kết này phải dựa trên nguyên tắc nhấn mạnh phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ con người trong việc khai thác, kinh doanh du lịch.
Trước đây, trong Năm du lịch Tây Bắc (2017), ngành du lịch Tây Bắc cũng đã xây dựng những sản phẩm đặc trưng, trong đó thể hiện sự liên kết như: Du lịch cộng đồng Tây Bắc, tham quan các ruộng bậc thang nổi tiếng và các lễ hội nông nghiệp, sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu chợ phiên vùng cao, du lịch tâm linh dọc sông Hồng, du lịch tâm linh dọc sông Đà, du lịch “Sắc hoa Tây Bắc”, khám phá các cung đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên lịch sử, Leo núi cùng trải nghiệm văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Tuy nhiên, sự thu hút du khách cho những điểm nhấn này còn chưa rộng rãi. Những sản phẩm tốt cho du lịch Tây Bắc dựa trên những giá trị văn hóa bản địa độc đáo cần tiếp tục được phát triển nhiều hơn, sáng tạo hơn, đặc sắc hơn và cần được quảng bá tốt hơn.
Ngữ Thiên