Tin tức - Sự kiện

Khơi dậy tình yêu du lịch Việt bằng những trải nghiệm giàu cảm xúc

Cập nhật: 27/06/2025 10:52:02
Số lần đọc: 109
(TITC) - Với cột mốc ấn tượng 110 triệu lượt khách trong năm 2024, thị trường du lịch nội địa tiếp tục khẳng định tiềm năng to lớn và vai trò trụ cột đối với ngành Du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, các chương trình kích cầu, tiêu biểu là chương trình “Việt Nam - Đi để yêu” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động năm 2025, đã bước đầu tạo ra hiệu ứng tích cực, góp phần khơi dậy làn sóng du lịch trong nước. Để phát triển bền vững, cần nhìn nhận sâu hơn những điều còn tồn tại và tiếp tục đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi" - đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Giám đốc Visit Indochina, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.

Phó Chủ tịch HHDL Quảng Nam - Nguyễn Sơn Thủy đón KOLs Malaysia tham quan Hà Nội và Hạ Long

*Ông nhìn nhận như thế nào về "sức nóng" của các chương trình kích cầu du lịch nội địa, đặc biệt là chương trình "Việt Nam - Đi để yêu" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động?

Có thể nói, chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 “Việt Nam - Đi để yêu” đã tạo ra một động lực mới, một cú hích mới cho du lịch nội địa, nhất là về mặt truyền thông. Với thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu và chạm đến cảm xúc, chương trình đã khơi gợi tinh thần yêu du lịch, thôi thúc “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Từ hiệu ứng truyền thông lan tỏa rộng khắp, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều địa phương và doanh nghiệp trong cả nước. Chúng ta dễ dàng nhận thấy những hình ảnh tươi đẹp về đất nước Việt Nam xuất hiện liên tục trên truyền thông và mạng xã hội. Hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá, rất nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn được giới thiệu tới du khách, góp phần tạo nên sức sống mới cho Du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi hiệu ứng đó vẫn chưa đồng đều giữa các vùng miền và chưa giải quyết được bài toán mùa vụ. Vì nhiều lý do, khách du lịch vẫn tập trung chủ yếu vào mùa hè, khiến ở một số thời điểm và một số nơi hệ thống hạ tầng, dịch vụ bị quá tải, trong khi các mùa khác vẫn rơi vào tình trạng vắng khách. Để chương trình “Việt Nam - Đi để yêu” tạo ra chuyển biến và tác động tích cực lâu dài, cần duy trì truyền thông cho Du lịch Việt Nam xuyên suốt cả năm; tùy theo từng phân khúc khách, từng mùa và từng loại hình du lịch mà có các chiến dịch cụ thể. Như vậy, sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch nội địa và giảm bớt tính thời vụ hiện nay.

*Ngoài vấn đề giá cả, theo ông đâu là những yếu tố then chốt mà các điểm đến du lịch Việt Nam cần tập trung để thực sự thu hút và giữ chân du khách?

Giá cả chỉ là một phần trong quyết định du lịch. Khi du khách “đi để yêu” - như tên gọi của chương trình kích cầu - thì điều họ mong muốn không chỉ là tiện nghi dịch vụ, không chỉ là nhu cầu giải trí, thư giãn đơn thuần, mà còn là giá trị của những trải nghiệm chân thực và đầy cảm xúc, là sự kết nối sâu sắc với thiên nhiên, với văn hóa và con người nơi họ đặt chân tới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự đầu tư cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là đầu tư cho yếu tố con người. Khi được phục vụ bởi những lễ tân khách sạn lành nghề, những hướng dẫn viên thân thiện, những người chủ homestay mến khách, những nghệ nhân kể chuyện lôi cuốn…, du khách sẽ có ấn tượng tốt đẹp về điểm đến.

Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp ở Quảng Nam

Nếu muốn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, sản phẩm du lịch cần được không ngừng làm mới và đa dạng hóa, và phải có bản sắc riêng. Thay vì những tour truyền thống quen thuộc, ngày nay du khách thường tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo gắn với cuộc sống của người dân bản địa: cùng nấu ăn, đi chợ, học nghề truyền thống, trồng rau, tát cá với người dân địa phương... Đọng lại sau mỗi chuyến đi không hẳn phải là điều gì to tát mà chính từ những điều rất bình dị, đời thường. Và tôi nghĩ đó cũng là tinh thần mà chương trình “Việt Nam - Đi để yêu” đang hướng tới.

*Ông vừa cho rằng cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch gắn với những câu chuyện, những trải nghiệm đầy cảm xúc. Vậy ngành Du lịch cần làm gì để phát triển được những sản phẩm như vậy?

Theo tôi, “Việt Nam - Đi để yêu” là một chiến dịch đúng hướng, và nên là một phần trong kế hoạch phát triển du lịch dài hơi. Tất nhiên, đi cùng với chiến dịch kích cầu là những hành động cần thiết. Để có những sản phẩm hút khách, chúng ta không chỉ cần tạo ra nhiều loại hình mới mà còn cần đầu tư vào chiều sâu, làm sao để mỗi sản phẩm gắn với một câu chuyện, một hành trình mang giá trị văn hóa và cảm xúc. Về con người, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm du lịch, vì mỗi người là một “đại sứ” góp phần giới thiệu hình ảnh điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hội An thu hút nhiều du khách

Đối với hạ tầng, bên cạnh đầu tư vào giao thông hay khách sạn, cần quan tâm đến cả những điều tưởng rất nhỏ như: biển chỉ dẫn rõ ràng, wifi miễn phí, nhà vệ sinh sạch sẽ… Việc ứng dụng công nghệ cũng là yếu tố quan trọng vì ngày nay du khách đòi hỏi mọi thứ phải nhanh chóng, rõ ràng và tiện lợi. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các địa phương, giữa doanh nghiệp và cộng đồng sẽ tạo ra những tuyến du lịch liên vùng hấp dẫn, những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đến nhiều lợi ích cho người dân và cho các địa phương.

*Là Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, ông có mong muốn, đề xuất gì nhằm góp phần thúc đẩy du lịch nội địa phát triển trong thời gian tới?

Để thúc đẩy du lịch nội địa phát triển, tôi cho rằng các cấp quản lý nhà nước cần có chính sách cởi mở và linh hoạt nhằm khuyến khích người dân đi du lịch trong nước, chẳng hạn như mở rộng kỳ nghỉ, khuyến khích doanh nghiệp cho phép nhân viên nghỉ linh hoạt để đi du lịch, có những chương trình hỗ trợ cho người lao động đi du lịch theo nhóm, theo công đoàn…

Các địa phương cần chủ động khai thác và phát huy tiềm năng riêng có, đầu tư phát triển sản phẩm độc đáo và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp cần linh hoạt trong chính sách giá, xây dựng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cả trong mùa cao điểm và mùa thấp điểm.

Ở Quảng Nam, các doanh nghiệp đã và đang tập trung phát triển những sản phẩm đặc sắc như du lịch đêm ở phố cổ Hội An, trải nghiệm làng nghề truyền thống, du lịch làng quê kết hợp sinh thái - văn hóa, khám phá vùng núi phía Tây… Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác truyền thông cho các sản phẩm du lịch theo hướng nhấn mạnh vào chiều sâu cảm xúc và gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách, đúng với tinh thần của chiến dịch kích cầu “Việt Nam - Đi để yêu”.

Tôi tin rằng, với sự chung tay vào cuộc của tất cả các bên liên quan - từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và cộng đồng - du lịch nội địa Việt Nam sẽ trở thành một thị trường rộng lớn, ổn định và bền vững, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Du nói riêng, nền kinh tế - xã hội đất nước nói chung.

*Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Nguyễn Lụa (Travel+ tháng 6.2025)

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 26/6/2025

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT