Không gian liên hoàn để bảo tồn và phát huy di sản thế giới
Thành quả thể hiện sức mạnh tổng hợp
Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa diễn ra ở Pháp thông qua quyết định công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới; phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới đáng kể của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào), với tên gọi: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô”.
Theo đánh giá của Ủy ban Di sản thế giới, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới theo các tiêu chí (iii) và (vi), là bằng chứng cho sự kết hợp độc đáo giữa Nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam; cùng cảnh quan linh thiêng được hình thành thông qua mối tương tác thường xuyên, mật thiết với thiên nhiên; và một hệ thống đạo đức dựa trên lòng yêu chuộng hòa bình, tu dưỡng bản thân, lòng khoan dung, nhân ái và sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.
Du khách trải nghiệm tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Minh Tú
Trong khi đó, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô được UNESCO ghi danh theo các tiêu chí về địa chất, địa mạo (tiêu chí viii), hệ sinh thái (tiêu chí ix) và đa dạng sinh học (tiêu chí x); là một trong những cảnh quan karst đá vôi và hệ sinh thái nổi bật và nguyên vẹn nhất trên thế giới. Nằm tại điểm giao thoa của dãy núi Annam và vành đai đá vôi Trung Đông Dương, bắc qua biên giới Việt Nam và Lào. Sự hình thành karst đã phát triển từ thời kỳ Paleozoic khoảng 400 triệu năm trước và có thể được coi là khu vực karst quy mô lớn, lâu đời nhất ở châu Á. Sự đa dạng của các hệ sinh thái được tìm thấy trong cảnh quan phức tạp này bao gồm rừng karst khô ở độ cao lớn, rừng ẩm ướt và rậm rạp ở độ cao thấp và các môi trường hang động ngầm rộng lớn. Trong số các cấu trúc ngầm này có hơn 220km hang động và hệ thống sông ngầm được ghi nhận có ý nghĩa toàn cầu. Sự đa dạng sinh học độc đáo với một số loài đặc hữu sinh sống trong các hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới cũng tạo nên các giá trị đặc biệt, có ý nghĩa toàn cầu.
PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy viên Thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Trưởng nhóm chuyên gia của Việt Nam tham gia Ủy ban Di sản thế giới khẳng định, việc UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc cùng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô là thành quả thể hiện sức mạnh tổng hợp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các địa phương với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; của Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các chuyên gia tham gia Ủy ban Di sản thế giới của Việt Nam. Đóng góp này cũng thể hiện cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo vệ các di sản thế giới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á, gìn giữ cho hiện tại và trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Bảo tồn và khai thác hiệu quả di sản thế giới
Tính đến nay, UNESCO đã ghi danh 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam (6 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp), gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế; đô thị cổ Hội An; khu di tích Mỹ Sơn; quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long; quần thể danh thắng Tràng An; thành nhà Hồ; quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô. Các di sản sau khi được UNESCO ghi danh đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước, quốc tế, đóng góp vào sự phát triển văn hóa - xã hội, du lịch các địa phương sở hữu di sản.
Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Sự kiện Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô trở thành di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào cho thấy tầm quan trọng hợp tác toàn cầu thông qua việc đề cử di sản chung, đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình và an ninh theo quan điểm của UNESCO, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước. Đồng thời, chúng tôi mong muốn được mời các đại biểu Ủy ban Di sản thế giới đến tham quan Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô, hỗ trợ Việt Nam và Lào kinh nghiệm quản lý đối với di sản thế giới liên biên giới đầu tiên này".
PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, việc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mở rộng kết hợp với Vườn quốc gia Hin Nam Nô là xu thế phát triển chung của thế giới. Sự hợp tác này không chỉ có giá trị to lớn đối với sự phát triển văn hóa-xã hội, du lịch hai nước mà còn thắt chặt thêm tình hữu nghị, mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. “Việc UNESCO vừa ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới; Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô là di sản thiên nhiên thế giới sẽ tạo không gian liên hoàn, hoàn chỉnh hơn về di sản, góp phần mở rộng tài nguyên để phát triển du lịch, nguồn lực sẽ tập trung hơn để bảo tồn và phát huy di sản ngày càng tốt hơn", PGS, TS Đặng Văn Bài khẳng định.
Hữu Lê