''Khúc đồng dao'' - sự sáng tạo của rối nước
Cảnh trong vở rối nước “Khúc đồng dao”. Ảnh: Thúy Hiền.
“Khúc đồng dao” là bản hòa tấu nghệ thuật sinh động trên sân khấu chủ đạo là múa rối nước, đưa khán giả vào một hành trình xuyên suốt từ Bắc vào Nam, khám phá vẻ đẹp văn hóa, con người và những câu chuyện mang đậm bản sắc của các vùng miền, làng quê, khắc họa những sinh hoạt đời thường, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với cách điều khiển con rối tài tình, kết hợp với âm nhạc dân gian, ánh sáng hiện đại... đã tạo nên một không gian nghệ thuật ấn tượng, vượt ra khỏi khuôn khổ một buổi biểu diễn nghệ thuật mà còn là lời nhắn nhủ về cội nguồn, về tình yêu quê hương đất nước, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại một cách gần gũi và dễ tiếp cận.
Theo NSND, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, khi nói về đồng dao, chúng ta không chỉ nghĩ đến những bài hát ru, những câu hát vỗ về tâm hồn trẻ thơ, mà còn là sự gắn kết của các thế hệ, là nền tảng của gia đình, nơi mà mỗi đứa trẻ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ. Với khán giả là du khách quốc tế, “Khúc đồng dao” không chỉ được thưởng thức nghệ thuật múa rối truyền thống độc đáo mà còn khám phá về văn hóa vùng miền các dân tộc Việt Nam với sự xuất hiện của các con rối dưới mái thuỷ đình.
“Khúc đồng dao” được giới chuyên môn đánh giá cao khi có bước phát triển mới từ tạo hình con rối, thiết kế sân khấu cho tới xử lý âm nhạc, âm thanh, ánh sáng... Đó chính là sự phát triển của nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Cùng đó, cũng rất đáng chú ý khi nhạc sĩ, NSND Huỳnh Tú đã đưa yếu tố âm nhạc đương đại vào phối hợp âm nhạc truyền thống như đờn ca tài tử, ca trù, chèo... tạo ra một nền âm thanh khá độc đáo.
Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống và yếu tố hiện đại đã tạo ra sự độc đáo, vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa đáp ứng thị hiếu của khán giả đương đại trong một tác phẩm nghệ thuật múa rối. Có thể nói, đây chính là thành công của “Khúc đồng dao”.
Không chỉ Nhà hát Múa rối, tiềm năng và thế mạnh của văn hóa dân gian chính là nguồn tư liệu dồi dào cho những người làm văn hóa nghệ thuật khai thác. Nhiều đạo diễn, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ đã có những thành công trong khai thác âm nhạc truyền thống, chất liệu dân gian trong các tác phẩm đương đại. Như “Em là cô giáo vùng cao” (nhạc: Phan Huy Hà - thơ: Hoàng Nghĩa Tự); ca sĩ Nguyễn Thu Hằng với “Nhà em ở lưng đồi” (nhạc sĩ Đức Trịnh), “Hoa ban về” (Đoàn Đăng Đức)... Hay như ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng rất thành công khi mang âm nhạc dân gian trở lại với tiết mục hát Xẩm trong đêm Live concert “Chân trời rực rỡ”.
Nhiều ý kiến cho rằng, sáng tạo trên nền văn hóa truyền thống để phù hợp thị hiếu giới trẻ, níu chân du khách cũng chính là một cách làm hiệu quả, vừa góp phần quảng bá giá trị và nhận diện văn hóa Việt Nam, vừa lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến đông đảo công chúng. Nói như ThS Hoàng Thùy Linh (Học viện Múa Việt Nam), việc khai thác triệt để chất liệu múa nguyên bản, tìm về gốc rễ của văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng thêm việc nắm bắt xu thế phát triển của thời đại bùng nổ công nghệ số đã được các biên đạo ứng dụng để phục vụ cho việc sáng tác của mình một cách tối đa và hiệu quả, tạo ra một xu hướng sáng tác mới.
Phương Anh