Kiên Giang đón nhận bằng di sản ''Nghề làm nước mắm Phú Quốc'' vào giữa tháng 12
Theo ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, việc tổ chức Lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm nước mắm nhằm đẩy mạnh truyền thông về giá trị di sản quốc gia “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” để tạo cơ sở cho việc tiến đến xin lập hồ sơ đăng ký trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
“Nghề làm nước mắm Phú Quốc” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó vào năm 2021, nước mắm Phú Quốc đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng quốc gia bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ngày 8/10/2012, nước mắm Phú Quốc được Ủy ban châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý và là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc liên minh châu Âu. Đây là thành công và sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ làm nước mắm ở Phú Quốc được nâng niu, gìn giữ hơn 100 năm qua, góp phần nâng cao hình ảnh, giá trị của nghề làm nước mắm ở Phú Quốc.
TP Phú Quốc đặt chỉ tiêu chế biến nước mắm bình quân đạt 12 triệu lít/năm; phấn đấu xây dựng cụm công nghiệp sản xuất nước mắm phù hợp với làng nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc và di dời các cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi khu dân cư.
Theo thông tin từ UBND tỉnh, nhân lễ đón nhận bằng di sản “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” còn có lễ công bố kỷ lục quốc gia đối với món ăn gỏi cá trích, quà tặng rượu sim, hội thảo khoa học về phát triển bền vững nước mắm truyền thống Phú Quốc./.
Lam Hiếu