Non nước Việt Nam

Kom Tum: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Sa Thầy

Cập nhật: 28/06/2021 09:39:15
Số lần đọc: 777
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014), Huyện ủy Sa Thầy ban hành Nghị quyết 03-NQ/HU, ngày 9/6/2016 về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Sa Thầy gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025”, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.

Ông Trần Duy Tiên - Trưởng Phòng VHTT huyện Sa Thầy cho hay, có 23 lễ hội, luật tục của các DTTS như: Lễ mừng nhà rông mới, lễ pơ thi, lễ giọt nước, lễ ăn lá lúa, lễ trỉa lúa, lễ mừng lúa mới, lễ thổi tai; lễ cưới…; 5 nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc); 8 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian gồm có cồng chiêng, múa xoang, sử thi, hát dân ca, truyện cổ, câu đố; các loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống như đàn tơ rưng, krông pút, ting ning, đàn đá...

Thực hiện Nghị quyết 03/HU, một số lễ hội, phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS được các địa phương duy trì, phục dựng. Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như cồng chiêng, múa xoang, múa chiêu; nhạc cụ truyền thống như đàn tơ rưng, đàn krông pút, đàn ting ning, đàn đá… được chú trọng gìn giữ; 100% thôn, làng có đội nghệ nhân (cồng chiêng, xoang, chiêu); trong đó 50% thôn, làng duy trì hoạt động thường xuyên; 38/38 thôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ có nhà rông văn hóa; 15 quần thể tượng nhà mồ (chủ yếu ở các nghĩa địa thôn, làng), trong đó có 1 quần thể còn lưu giữ khá đậm nét (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy); toàn huyện có 449 bộ cồng, chiêng - trong đó 38 bộ của cộng đồng.

Đoàn nghệ nhân làng Đăk Wơk (xã Hơ Moong) tái hiện Lễ cầu an của dân tộc Ba Na. Ảnh: T.N

Việc truyền dạy kỹ năng biểu diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng, dân vũ, dân ca được UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo ngành chức năng chú trọng triển khai thực hiện hằng năm. Theo đó, UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin phối hợp với UBND các xã Mô Rai, Ya Tăng, Ya Xiêr, Hơ Moong, Rờ Kơi, Sa Nghĩa tổ chức được 8 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; trong đó 6 lớp truyền dạy kỹ năng biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, múa chiêu (tại các xã Mô Rai, Rờ Kơi, Hơ Moong, Sa Sơn, Ya Xiêr, Sa Nghĩa) và 2 lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm (tại các xã Ya Tăng, Mô Rai), thu hút sự tham gia của 94 nghệ nhân và 585 học viên. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở 2 lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng tại thôn Đăk Tăng (Sa Nghĩa) và làng Le (Mô Rai) với sự tham gia của 12 nghệ nhân và 76 học viên.

Từ năm 2016 đến nay,  huyện Sa Thầy tổ chức 4 lần “Ngày hội văn hóa dân gian các dân tộc” tại các xã Rờ Kơi, Ya Ly, Sa Sơn, Hơ Moong; kết hợp giao lưu, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, tái hiện một số lễ hội truyền thống như: Lễ trỉa lúa của dân tộc Xơ Đăng (Ha Lăng) tại xã Rờ Kơi; lễ giọt nước của dân tộc Ba Na (Rơ Ngao) tại xã Hơ Moong… Đáng chú ý là vào tháng 5/2019, tổ chức “Liên hoan văn hóa, văn nghệ dân gian các DTTS toàn huyện”. Hoạt động này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay; bao gồm các nội dung như: Lễ hội đường phố; Liên hoan ẩm thức truyền thống và tái hiện các lễ hội dân gian của 5 DTTS trên địa bàn với sự tham gia của 11 đoàn/ 275 nghệ nhân.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm về làng Chốt (thị trấn Sa Thầy) để gặp anh A Jiul (43 tuổi) người luôn tâm huyết với công tác bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đã hàng chục năm nay, anh A Jiul luôn trăn trở về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Gia Rai trước nguy cơ mai một. Bởi theo anh, giới trẻ ngày nay thích các loại hình nghệ thuật hiện đại mà ít thiết tha với văn hóa cồng chiêng. Từ đó, anh A Jiul bàn với già làng, trưởng thôn tập hợp các nghệ nhân mở lớp dạy cồng chiêng, múa xoang, hướng dẫn kỹ thuật chế tác tượng nhà mồ, các loại nhạc cụ truyền thống, dạy những bài hát giao duyên cho thanh thiếu nhi; thành lập đội cồng chiêng của làng để biểu diễn vào dịp làng tổ chức lễ hội, giao lưu với các làng khác và tham gia liên hoan văn hoá cồng chiêng do các ngành, các cấp tổ chức. Làm được nhiều việc có ích trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, năm 2019, A Jiul được Nhà nước phong trặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Ông Dương Quang Phục - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức nhiều hơn các hoạt động truyền dạy kỹ năng thực hành văn hóa phi vật thể; biểu diễn, giao lưu văn hóa. Triển khai công tác kiểm kê tại cộng đồng dân cư, đánh giá thực trạng các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; xác định các giá trị văn hóa đang có nguy cơ thất truyền, cần bảo vệ khẩn cấp để xây dựng hồ sơ khoa học, tư liệu hóa, làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy đạt hiệu quả cao.

UBND huyện cũng khuyến khích việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn nghệ dân gian gắn với lễ hội, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn. Có chính sách phù hợp hỗ trợ, động viên, khuyến khích, tôn vinh đóng góp của các nghệ nhân ưu tú; phát huy vai trò, trách nhiệm cộng đồng trong việc gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, làm hạt nhân trong các phong trào văn hóa ở cơ sở. Xây dựng, củng cố đội nghệ nhân tại các thôn, làng vùng đồng bào DTTS…        

Thảo Nguyên

 

Nguồn: Báo Kom Tum

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT