Hoạt động của ngành

Lâm Đồng: Người K’ho phát triển du lịch cộng đồng dưới chân núi Langbiang

Cập nhật: 08/02/2022 05:54:26
Số lần đọc: 848
Cùng với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và ẩm thực, cộng đồng dân tộc K’ho ở thị trấn Lạc Dương còn phát triển nghề dệt thổ cẩm và rượu cần để bán và thiết đãi du khách.  


Sau thời gian dài im ắng vì dịch bệnh Covid-19, tiếng cồng chiêng của người K’ho dưới chân núi Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã bắt đầu vang vọng trở lại để tiếp đón du khách trong mùa xuân mới. Cùng với đó, các sản phẩm truyền thống đặc sắc bản địa như thổ cẩm, rượu cần cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, sẵn sàng phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách du lịch gần xa. Du lịch cộng đồng đã giúp đời sống kinh tế của người K’Ho nơi đây phát triển đi lên từng ngày.

Không gian văn hóa cồng chiêng ở chân núi Langbiang đang trở thành sản phẩm thu hút nhiều khách du lịch.

Ngay khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số K’ho ở chân núi Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã nhanh chóng bắt nhịp ngân vang phục vụ du khách.

Già làng Krajan Plin vui mừng cho biết: “Sau thời gian dài ngưng nghỉ vì dịch Covid-19, bà con trên địa bàn nói chung và gia đình nói riêng đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm và giao lưu văn hóa cồng chiêng của du khách trong dịp tết này. Các khâu từ ẩm thực, thức uống cho đến sinh hoạt cồng chiêng đã được sẵn sàng. Riêng gia đình đã mở cửa đón tiếp khách từ ngày 22/12/2021, mọi hoạt động đón khách từ đó đến nay đều diễn ra bình thường. Vì vậy, thu nhập của gia đình vẫn đảm bảo, tết nhứt cũng ổn định như các năm trước”.

Cùng với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và ẩm thực, cộng đồng dân tộc K’ho ở thị trấn Lạc Dương còn phát triển nghề dệt thổ cẩm và rượu cần để bán và thiết đãi du khách. Theo ông Păng Ting K’Rè, ở Bon Dơng 1, thị trấn Lạc Dương, việc bà con nơi đây phát huy hiệu quả không gian văn hóa cồng chiêng – kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận để làm du lịch là một lợi thế lớn. Rất nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà đã thực sự vươn lên làm giàu.

“Đây là công việc góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, trau dồi lại cho lớp trẻ nhận thức được văn hóa cồng chiêng, là di sản do ông bà để lại có giá trị rất to lớn của đồng bào dân tộc K’ho nói riêng và cộng đồng dân tộc ở Tây nguyên nói chung. Hoạt động cồng chiêng phục vụ khách đã mang lại nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều lao động địa phương được giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. Vì vậy, buôn làng càng ngày càng phát triển”.

Theo ông Trần Xuân Đường, Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch đã mang lại nguồn thu nhập lớn, đặc biệt đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ. Cùng với các ngành kinh tế khác, du lịch cộng đồng đã góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo bền vững cho địa phương. Thị trấn hiện chỉ còn 16 hộ nghèo, số hộ giàu và khá ngày càng tăng. Địa phương xác định việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chính là cái gốc để phát triển kinh tế du lịch.

Ông Trần Xuân Đường, nói: “Chúng tôi đã có định hướng du lịch cộng đồng tập trung vào văn hóa bản sắc dân tộc, nhất là cồng chiêng. Đồng thời, các mặt hàng mà bà con đồng bào dân tộc tại chỗ làm ra để phục vụ du khách như rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm… đây là những sản phẩm mang tính đặc thù, đặc hữu mà khách du lịch khi đến rất ưa thích. Do vậy, du lịch cộng đồng đã giúp bà con có công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho địa phương”.

Nhờ biết phát huy thế mạnh về văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, cộng đồng người K’ho dưới chân núi Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã mở ra nhiều loại hình dịch vụ du lịch, vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn văn hóa truyền thống, cho cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc./.

Quang Sáng

Nguồn: vov.vn

Cùng chuyên mục