Lần đầu trải nghiệm với Người Giữ Rừng
Phủ xanh 8 ha diện tích rừng ngập mặn trong tổng số 23 ha mặt nước tại Nông trại sinh thái Người Giữ Rừng
Ngạc nhiên của mọi sự ngạc nhiên đối với phóng viên lần đầu đến Nông trại Người Giữ Rừng thu vào tầm mắt một không gian mênh mông sông nước bao bọc từng khu rừng đước, rừng dừa, rừng bần, rừng mắm đang lên xanh, kéo dài thẳng tắp đến tận chân trời. Theo hướng dẫn chủ nông trại Trịnh Thị Ngọc Hiện (sinh năm 1988, thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên môi trường), phóng viên bước lên chiếc cầu phao bồng bềnh, nối liền theo mỗi bước chân đưa lối vào trong khu rừng dừa nước mát rượi, cách ly ánh nắng mặt trời với nhiều tầng lá trên đỉnh đầu. Phía trước và phía sau cửa rừng dừa nước mở ra từng phân khu chức năng tạo sinh thái môi trường phục vụ du khách tham quan rừng ngập mặn, trải nghiệm chèo thuyền đánh bắt các loài thủy sản tự nhiên sinh sôi nảy nở dưới lòng nước mặn như hàu, cua, ốc, sò, cá, tôm… Thạc sĩ Trịnh Thị Ngọc Hiện thuyết minh: “Trồng rừng dừa, đước, bần, mắm ngập mặn tạo ra thảm thực vật sinh trưởng đa dạng, hàng ngày các vật liệu lá cây, vỏ cây, nhánh cây rơi tự nhiên xuống lòng nước phân hủy, tạo ra vi sinh vật có lợi cung cấp dinh dưỡng trở lại cho cây rừng, đồng thời làm thức ăn cho các loại thủy sản, trở thành hệ sinh thái hoàn chỉnh…”.
Chiếc cầu phao dẫn vào các khu vực rừng dừa, đước, bần, mắm của Nông trại sinh thái Người Giữ Rừng
Cũng theo Thạc sĩ Trịnh Thị Ngọc Hiện, từ tháng 8/2020, Nông trại sinh thái Người Giữ Rừng bắt đầu trồng 50.000 hạt giống cây đước trên diện tích ngập mặn 3 ha. Sau 3 tháng chăm sóc, theo dõi, tỷ lệ hạt nảy mầm tạo thành cây phát triển cành, lá khoảng 50%: tỷ lệ 50% còn lại không nảy mầm hoặc cây chết do sóng nước đánh gãy, cuốn trôi, hạt giống chưa cắm sâu xuống đất. Rút kinh nghiệm một năm sau đó, nông trại tiếp tục xuống giống trồng, chăm sóc thành công 8 ha cây đước, bần, mắm, dừa trong trong tổng số 23 ha ở đây. Phóng viên đến trải nghiệm vào giữa tháng 10/2022, các giống cây xanh ngập mặn này đã vươn cao lên đến hơn một mét so với mặt nước, trong đó chiếm số nhiều cây đã kết trái.
Ở trong môi trường nước mặn, Thạc sĩ Trịnh Thị Ngọc Hiện cho biết, thường xuyên khai thác nguồn giống hàu, tôm, cua, cá, mực… từ môi trường cửa biển Bình Đại, Bến Tre đưa về thả xuống nông trại sinh trưởng tự nhiên. Kết quả tính riêng sản lượng hàu, nông trại thu hoạch tại chỗ mỗi ngày từ 100 - 200 kg vừa cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ trong tỉnh vừa chế biến tại chỗ theo nhu cầu của khách du lịch. Nhiều du khách đánh giá sản phẩm hàu được thu hoạch, chế biến tại Nông trại sinh thái Người Giữ Rừng với chất lượng thơm ngon tự nhiên, thưởng thức lần đầu muốn trở lại lần sau. Nhờ vậy chỉ mới 2 năm đi vào hoạt động, Nông trại sinh thái Người Giữ Rừng dần dần được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh Bến Tre lựa chọn điểm đến hòa mình vào thiên nhiên khoáng đạt, góp phần nâng cao chất lượng cho chuyến tham quan, nghỉ dưỡng của mình.
Nông trại sinh thái Người Giữ Rừng thu hoạch mỗi ngày 100 - 200 kg hàu sinh trưởng tự nhiên
Hiện tại, Nông trại sinh thái Người Giữ Rừng đang thu hút 20 lao động kỹ thuật và lao động phổ thông cùng góp công sức hàng ngày tạo ra giá trị sinh thái rừng ngập mặn phục vụ các loại hình du lịch tham quan nghiên cứu, du lịch cộng đồng. “Tất cả những người lao động trong nông trại chúng tôi cam kết chung tay phát triển rừng ngập mặn, tái tạo môi trường tự nhiên phát triển các loài thủy sản, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị với thiên nhiên và những bữa ăn sinh thái đặc trưng vùng biển Bình Đại, Bến Tre…”, chủ nông trại Trịnh Thị Ngọc Hiện chia sẻ.
Ông Lê Vũ Minh - Bí thư xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre nhận định: Hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, phủ xanh rừng ngập mặn ở Nông trại sinh thái Người Giữ Rừng đã thể hiện tinh thần “Đồng Khởi khởi nghiệp” thiết thực, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyển và các đoàn thể chính trị xã Thạnh Phước tiếp tục vận động nông dân địa phương trao đổi kinh nghiệm với Nông trại sinh thái Người Giữ Rừng để nhân rộng mô hình phát triển thủy sản tự nhiên, bền vững, nâng cao hơn nữa giá trị thu hoạch thu nhập trên đơn vị diện tích đất các vùng bãi bồi ven sông nước ngập mặn của mình.
Văn Việt