Làng văn hóa trên rẻo cao mây trắng ở Thừa Thiên Huế
Lãnh đạo huyện A Lưới trong Lễ khánh thành Làng văn hóa ngày 6/9 vừa qua
Ngôi làng bảo tồn văn hóa
Dự án Làng Văn hóa truyền thống các DTTS huyện A Lưới (gọi tắt là Làng Văn hóa các DTTS), do UBND huyện A Lưới làm chủ đầu tư, được xây dựng tại Khu bảo tồn sim thuộc xã Hồng Thượng. Làng được xây dựng trên diện tích 5ha, với tổng kinh phí đầu tư gần 20,8 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Dự án được phê duyệt từ tháng 7/2022 và khởi công xây dựng từ tháng 5/2023.
Sau 18 tháng thi công, ngày 06/9/2024, Làng Văn hóa các DTTS huyện A Lưới đã khánh thành và đi vào hoạt động. Ngôi làng tọa lạc giữa đồi sim thơ mộng, gồm khối nhà chung sinh hoạt cộng đồng và 3 ngôi nhà truyền thống của đồng bào Pa Cô (nhóm địa phương thuộc dân tộc Tà Ôi), Tà Ôi và Cơ Tu. Bản sắc văn hoá thể hiện ở không gian cảnh quan, kiến trúc nhà gươl, nhà rông và nhà moong của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu...
Ngôi làng được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa của người dân và du khách. Đây cũng là nơi tái hiện cảnh sinh hoạt đời thường, phong tục tập quán, văn hoá lễ hội và bảo tồn nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt zèng cùng các tri thức dân gian của đồng bào các DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, huyện A Lưới cho biết: “Làng Văn hóa các DTTS huyện A Lưới được xây dựng trên địa bàn xã Hồng Thượng. Chính quyền và người dân Hồng Thượng sẽ cùng với người dân huyện A Lưới vừa bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của các DTTS, vừa phát triển du lịch trên địa bàn”.
Từ tháng 8/2024 đến nay, nhiều đoàn khách du lịch đã đến tham quan, checkin, hòa chung trong các lễ hội truyền thống được tái hiện tại Làng. Chị Hồ Thị Thúy, người Pa Cô, xã Hồng Thượng rất hào hứng khi cùng giao lưu với bạn bè các dân tộc khác tại Làng Văn hóa truyền thống chia sẻ: “Ở nơi này, mình được gặp gỡ rất nhiều bạn bè từ các dân tộc khác nhau như Cơ Tu, Tà Ôi... Mọi người đều chung tay lan tỏa, giới thiệu cho các bạn mình biết dân tộc mình có những nét văn hóa gì”.
Ngôi nhà truyền thống Cơ Tu trong không gian Làng văn hóa các DTTS huyện A Lưới
Nơi phô diễn bản sắc văn hóa
Mặc dù vừa mới khánh thành vào đầu tháng 9 năm nay nhưng trước đó, tại Làng Văn hóa các DTTS huyện A Lưới đã diễn ra nhiều hoạt động tái hiện các lễ hội truyền thống, trưng bày giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trình diễn nghề truyền thống cùng các hoạt động văn hóa dân gian.
Huyện A Lưới có kế hoạch trong thời gian tới sẽ đưa một số hộ dân là đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu vào sinh sống tại Làng. Có không gian làng văn hóa cùng cộng đồng các dân tộc sinh sống tại đây, hơi thở của đất và người mới hòa quyện vào nhau để tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú. Theo đó, các lễ hội truyền thống và nhiều di sản văn hóa của đồng bào các DTTS sẽ được khôi phục, phục dựng. Các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các DTTS được sưu tầm, bảo tồn và trình diễn tại không gian của Làng để phục vụ du khách đến tham quan trải nghiệm. Đồng thời, kho tàng tri thức của các già làng, trưởng bản, Người có uy tín sẽ trao truyền những tư liệu có giá trị cao để xây dựng và phát triển Làng Văn hóa ngày càng cuốn hút hơn.
Nhà sinh hoạt cộng đồng của người Pa Kô
Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể, các tập tục văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới được duy trì thường xuyên. Những Lễ hội A Riêu Ca của người Pa Cô, Lễ hội Kliing Tang (Lễ cúng Giàng) của người Tà Ôi hay Lễ hội Ân Ninh (đáp lễ của nhà trai) của người Cơ Tu không chỉ chuyên chở giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo nên sức hút để phát triển du lịch, nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Đồng thời, những nghề truyền thống như dệt zèng, đan lát, nghề gốm, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP của địa phương như chuối già lùn, bò vàng A Lưới, gạo Radư sẽ được phát triển hơn. Qua đó, tạo ra nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tiêu Dao - Bảo Anh