Non nước Việt Nam

Linh thông cổ tự - ngôi chùa có nhiều chuyện huyền tích linh thiêng

Cập nhật: 16/05/2019 10:38:03
Số lần đọc: 1523
Chùa Nôm hay còn gọi là Linh thông cổ tự ở làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Ngôi chùa được xây dựng lại vào thời hậu Lê với những nét kiến trúc cổ kính, là nơi lưu giữ nhiều pho tượng cổ vào loại bậc nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Xung quanh ngôi chùa cổ này còn nhiều câu chuyện huyền tích linh thiêng thu hút đông đảo du khách tới thăm.

Theo chú thích ở trên bia tại chùa, từ thời Hậu Lê, năm Canh Thân (1680), đời Chính Hòa, nhà vua cho xây dựng lại chùa. Trước đó, người ta cũng không biết ngôi chùa này xây dựng chính xác từ năm nào. Đến thời Cảnh Thịnh thứ 4 (cuối thế kỷ 18) chùa lại xây dựng thêm gác chuông và mở ra hai dãy hành lang.

Đến thời Nguyễn, chùa Nôm lại tiếp tục được tu sửa. Trải qua thăng trầm và biến cố của lịch sử, tàn phá của thiên nhiên, chùa vẫn tồn tại và mang trong mình một tâm thế độc đáo riêng.

Theo các cụ cao niên ở trong làng, Linh thông cổ tự còn gắn liền về một truyền thuyết xa xưa từ thời Hai Bà Trưng. Các cụ trong làng cho rằng, xưa kia có một sư thầy đang ngủ ở chùa Dâu, giữa đêm bỗng nhiên thức giấc.

Khi tỉnh dậy, sư thầy nhìn thấy một ánh hào quang phát ra từ phía Nam. Biết đây là điểm báo nên sư thầy liền bám theo ánh hào quang dẫn ra rừng thông, rồi nó lan tỏa thành một quầng sáng. Nghĩ rằng trời Phật ban phước lành, nên sư thầy đã cho dựng một ngôi chùa tại đây và lấy tên là Linh thông cổ tự.

Chùa Nôm có khuôn viên rộng 15ha, bố cục kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” (mặt bằng bên trong chùa có dạng chữ công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh giống chữ khẩu, hay chữ quốc (国) trong tiếng Hán).

Đi qua cổng Tam Quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Cạnh lầu chuông là một hồ nước trong xanh như mở ra một không gian tĩnh mịch cho ngôi chùa.

Để phá vỡ không gian tĩnh mịch ấy, hằng ngày ở lầu chuông, tiếng chuông chùa vẫn được thỉnh lên, nó tựa như một thanh âm trong trẻo kéo dài để xua đi cái buồn, cái điềm tĩnh, gợi sự yên bình cho ngôi chùa.

Ngoài phong cảnh cổ kính, trầm mặc và uy nghiêm, chùa Nôm còn lưu giữ những hiện vật giá trị, đó là những pho tượng cổ có niên đại hàng trăm năm.

Mặc dù mảnh đất này phải thường xuyên gánh chịu những trận bão lụt, tuy nhiên các pho tượng cổ vẫn được chùa lưu giữ nguyên vẹn.

Các pho tượng vẫn giữ được những đường nét sơn son thếp vàng, đây là điều mà đến nay nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử cũng như kiến trúc của các ngôi chùa Việt chưa lý giải được.

Chùa Nôm hiện có trên 100 pho tượng cổ bằng đất sét. Hiện chưa có thông tin chính xác về niên đại và quá trình tạo tạc những pho tượng này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, các bức tượng được tạc vào thời Lý-Trần (thế kỷ 11-13).

Các pho tượng ở chùa đa phần đều được dùng bằng đất sét nung, chế tác rất tinh xảo. Mỗi một pho tượng lại thể hiện sinh động các tư thế, trạng thái khác nhau. Theo tìm hiểu của phóng viên, để tạo ra một bức tượng đẹp, các nghệ nhân phải hòa lẫn các chất liệu đất sét, mật, vôi và giấy bản giã thật kỹ và nhuyễn.

Tiếp theo, các nghệ nhân mới bắt đầu nặn thành khối, tạo hình cho mỗi bức tượng. Tất cả các khâu đều được làm một cách rất tỉ mỉ, trau chuốt.

Trong dòng chảy của nền văn hóa lịch sử của nước nhà, những pho tượng cổ của chùa Nôm ít nhiều đã minh chứng cho một thời đại phát triển, nhất là nghệ thuật tạo dựng gốm sứ và đất nung.

Ngoài những pho tượng cổ quý giá, trong khuôn viên chùa Nôm còn có một khu mộ tháp cổ được xây dựng bằng những phiến đá ong cổ. Đó là những tháp cổ đẹp và nguyên vẹn. Những thanh đá ong được mài nhẵn, vuông vắn, có kích thước giống nhau, xếp chồng lên nhau tạo thành ngôi bảo tháp ba tầng. Đến nay, những tòa tháp cổ vẫn đứng vững tọa lạc yên bình như thách thức với thời gian.

Chùa Nôm từ lâu đã trở thành nhân chứng lịch sử, gắn bó với người dân nơi đây cả trong thời chiến cũng như thời bình. Sự linh thiêng của chùa luôn thấm đẫm vào từng viên ngói, từng thớ gỗ, từng pho tượng…

Cùng với sự phát triển và hội nhập của nền văn hóa đương đại, chùa Nôm cũng như rất nhiều các ngôi chùa khác ở làng quê Việt Nam đã và đang được bảo tồn, góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần của người dân, đồng thời tạo đà cho nền văn hóa Việt Nam phát triển./.

 

Nguồn: Vietnam+

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT