Nam Định: Liên kết, hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa
Du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa ẩm thực phở bò tại làng Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực).
Tính đến tháng 5/2023, toàn tỉnh có 1.348 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh và Khu di tích Chùa Keo Hành Thiện), 87 di tích cấp quốc gia, 328 di tích cấp tỉnh; 5 nhóm bảo vật quốc gia; 1 bảo tàng công lập, 1 bảo tàng dân lập, hơn 40 nhà truyền thống, phòng truyền thống. Ngoài hệ thống di sản văn hóa vật thể, còn có các di sản văn hóa phi vật thể là các lễ hội, tín ngưỡng, tập tục truyền thống gắn với các di sản văn hóa vật thể, các làng nghề truyền thống lâu đời; trong đó thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Là một trong 11 nhóm nghề thủ công truyền thống Việt Nam, nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể (sản phẩm làng nghề, công trình kiến trúc di tích thờ tổ nghề) và phi vật thể (kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng nghề, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng). Nghệ thuật sơn mài của người làm nghề ở Cát Đằng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện Đề án “Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia - nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020-2030” của Bộ VHTTDL, hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam được đẩy mạnh; Bộ đã tổ chức Liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam. Sở VHTTDL Nam Định đã phối hợp với các Sở VHTTDL Bình Dương, Hà Nội hợp tác cùng đối tác Hàn Quốc và một số nước xây dựng hồ sơ đa quốc gia về nghề sơn mài truyền thống đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó, mở ra cơ hội quảng bá thương hiệu, phát triển nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng, ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế về tham quan, trải nghiệm, giao lưu văn hóa.
Du khách tham quan, trải nghiệm nghề làm muối xã Hải Lý (Hải Hậu).
Xét về yếu tố giao lưu văn hóa với các nước khác trong khu vực, không thể không nhắc đến nghệ thuật chèo truyền thống tại Nam Định. Theo các nhà nghiên cứu, trên nền tảng bề dày lịch sử, văn hóa, nghệ thuật chèo đã xuất hiện ở vùng đất này từ rất sớm và tồn tại bền bỉ, lâu dài, theo thời gian dần trở thành bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu của dân tộc, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tích cực phối hợp với tỉnh Thái Bình và các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng có nghệ thuật chèo xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó góp phần tăng cường giao lưu trao đổi văn hóa địa phương với các nước trong khu vực.
Cùng với việc hình thành các khu, điểm du lịch văn hóa, các tuyến du lịch của tỉnh cũng đã được định hình. Trong đó các tuyến du lịch tâm linh nội tỉnh kết nối các di tích lịch sử - văn hóa gắn với lễ hội truyền thống ở các địa phương trong tỉnh đã đi vào nền nếp với chuỗi hoạt động lễ hội lớn dịp đầu năm như: hội chợ Viềng Xuân - lễ hội Khai ấn Đền Trần (tháng Giêng) - lễ hội Phủ Dầy; hay chuỗi các hoạt động lễ hội mùa Thu như: lễ hội truyền thống Đền Trần (tháng 8 âm lịch) - lễ hội Chùa Cổ Lễ - lễ hội Chùa Keo Hành Thiện. Ngành du lịch tỉnh đã kết nối, hình thành tuyến liên kết các điểm du lịch tâm linh liên tỉnh với các tỉnh trong khu vực liên quan đến lịch sử Vương triều Trần như: Yên Tử, Đông Triều (Quảng Ninh) - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) - Đền Trần (Thái Bình) - Đền Trần Thương (Hà Nam) - Quần thể di tích văn hóa Trần (Nam Định). Tuyến du lịch tâm linh liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu gồm các điểm du lịch: Phủ Tây Hồ (Hà Nội) - Phủ Dầy (Nam Định) - Đền Sòng (Thanh Hóa) - Đền Mẫu (Hưng Yên) - Đền Quốc Mẫu Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Tuyến du lịch lễ hội đặc sắc quy mô vùng gồm: lễ hội Chùa Yên Tử (Quảng Ninh) - lễ hội Đền Trần (Nam Định) - lễ hội Đền Trần (Thái Bình) - lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình) - lễ hội Chùa Hương (Hà Nội). Năm 2022, Nam Định đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng (Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An).
Bên cạnh đó, tỉnh tích cực tham gia các hội nghị hợp tác, phát triển du lịch; xây dựng các tuyến du lịch liên kết vùng, kết nối các khu, điểm du lịch thành các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn trong quan hệ hợp tác liên vùng. Tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dịp các sự kiện lớn, các hoạt động lễ hội, VHTTDL… do các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng tổ chức. Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Nam Định đã phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức các chương trình famtrip, presstrip đón doanh nghiệp lữ hành các tỉnh bạn về khảo sát các khu, điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ khách sạn, nhà hàng, cơ sở bán hàng lưu niệm để tìm hiểu năng lực phục vụ du khách và đưa khách du lịch đến với các cơ sở của doanh nghiệp hội viên. Hiệp hội Du lịch Nam Định còn tổ chức cho các doanh nghiệp hội viên tham gia đoàn khảo sát du lịch tỉnh bạn để kết nối tour du lịch liên tỉnh và trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, cơ sở dịch vụ của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, các tỉnh trong cụm liên kết 6 tỉnh duyên hải phía Bắc, cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh phía Bắc; trên các nền tảng mạng xã hội. Việc liên kết hợp tác này đã thúc đẩy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch đến các địa phương.
Để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch nội địa và quốc tế, thời gian tới, việc kết nối sản phẩm du lịch văn hóa giữa Nam Định với các địa phương trong cả nước cần được thực hiện đồng bộ, khoa học. Trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả định hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa của tỉnh trong quy hoạch tổng thể, các kế hoạch, chương trình phát triển các khu, tuyến điểm du lịch vùng và quốc gia. Tăng cường sự liên kết, hợp tác, phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực để tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia nguồn lực để đầu tư phát triển các mô hình liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong phát triển văn hóa, du lịch.
Đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối với các điểm đến du lịch văn hóa. Cập nhật, liên kết dữ liệu, đăng tải thông tin về tài nguyên du lịch, các tour, tuyến, điểm du lịch, các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí trên các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương và mạng xã hội. Phối hợp tổ chức các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của tỉnh. Tổ chức các chương trình khảo sát, hội nghị đánh giá, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng