Nâng cao kỹ năng ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng xã Hạ Mỗ, Đan Phượng
Phó Chánh văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Bùi Đức Thuận. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chánh văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Bùi Đức Thuận cho biết, Hạ Mỗ là vùng đất cổ nghìn năm văn hiến nổi tiếng được nhiều người biết đến với thành cổ Ô Diên, một thời là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân ở thế kỷ thứ 6 dưới triều Hậu Nam Đế Lý Phật Tử. Đây là vùng đất sinh ra nhân tài cho quốc gia như Thái Uý Tô Hiến Thành, Hoàng Giáp (tiến sĩ đệ nhị) Đỗ Trí Trung, Tiến sĩ Đào Hoàng Thực. Những di sản còn tồn tại đến ngày nay như Đình Vạn Xuân, Miếu Hàm Rồng, Đền Văn Hiến, đền Tri Chỉ, đền Chính Khí, chùa Báo Ân, Chùa Hải Giác…
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TITC
Với mong muốn xây dựng Hạ Mỗ là một điểm du lịch phong phú, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trên địa bàn của huyện Đan Phương và của Thành phố Hà Nội, ngày 08/12/2020, UBND Thành phố đã có Quyết định công nhận điểm du lịch Hạ Mỗ.
Tháng 4/2023, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch số 127/KH-UBND về “Nâng cao chất lượng điểm đến du lịch Hạ Mỗ 203” nhằm xây dựng thương hiệu chất lượng điểm đến chất lượng, hấp dẫn; khai thác tiềm năng lợi thế vùng đất Ô Diên xưa, đẩy mạnh phát triển du lịch.
Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư năm 2023 tại xã Hạ Mỗ được tổ chức nhằm tuyên truyền về lợi ích du lịch đem lại, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm du lịch trên địa bàn xã Hạ Mỗ với mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để đông đảo du khách trong nước và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu.
PGS.TS Phạm Hồng Long. Ảnh: TITC
Tại hội nghị, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã trao đổi các kỹ năng ứng xử văn minh về du lịch, về lợi ích du lịch đem lại, kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch; phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch; phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, du lịch là để thỏa mãn các giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, và tri giác/cảm giác. Do đó người làm du lịch cần lưu ý đáp ứng đủ các nhu cầu này của du khách trong xây dựng sản phẩm và phục vụ khách.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, có hai loại khách (khách hướng nội và khách hướng ngoại). Khách hướng ngoại thì sôi nổi, hoạt bát, dễ tính và dễ phục vụ hơn. Khách hướng nội thì ưu tư, điềm tĩnh, kỹ tính nên yêu cầu cao hơn. Tùy từng đối tượng khách, người làm du lịch có ứng xử cho phù hợp.
Thêm vào đó, để thu hút khách thì cần phải thỏa mãn thị giác của họ bằng cách luôn mỉm cười, mặc đẹp chỉnh chu; thỏa mãn thính giác bằng cách không ngừng khen ngợi khách; thỏa mãn cảm giác bằng cách luôn quan tâm đến họ. Thực hiện nguyên tắc SOFTEN: luôn nở nụ cười; cởi mở, thân thiện, hòa đồng; dí dỏm, hài hước; chào và bắt tay chân thành; nên nhìn khách khi trò chuyện; và luôn gật đầu, tán thành, ủng hộ.
Đền Văn Hiến thờ Thái Uý Tô Hiến Thành, điểm du lịch tâm linh xã Hạ Mỗ. Ảnh: TITC
Hội nghị thu hút sự tham dự của đông đảo các cán bộ công chức, viên chức xã Hạ Mỗ, các chi hội đoàn thể, Bí thư, Cụm trưởng, Trưởng ban công tác mặt trận cụm dân cư, người dân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm du lịch xã Hạ Mỗ.
Trung tâm Thông tin du lịch