Non nước Việt Nam

Nét đẹp trong phong tục cưới hỏi của dân tộc Nùng ở Hoàng Su Phì

Cập nhật: 13/04/2021 08:37:19
Số lần đọc: 1145
Chiếm 38,4% dân số toàn huyện, sinh sống ở 11/24 xã, thị trấn, người Nùng có lịch sử sinh sống lâu đời và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cộng đồng các dân tộc ở huyện Hoàng Su Phì. Những năm qua, các thế hệ người Nùng luôn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, trong đó có những nét đẹp trong phong tục cưới hỏi, bởi người Nùng quan niệm lễ cưới không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà còn có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục đạo làm con, nghĩa vợ chồng.


Cô dâu người Nùng thực hiện nghi thức đổ nước vào chảo khi về đến nhà trai trong ngày cưới.

Trước đây, hôn nhân của người Nùng thường do cha mẹ mai mối. Nhưng ngày nay, khi đến tuổi cập kê, con trai, con gái người Nùng được tự do yêu đương, tìm hiểu. Họ quen nhau trong những buổi lên nương, gặp nhau trong những buổi xuống chợ, phải lòng nhau trong những đêm hát Lượn, hát Sli. Khi trai gái ưng nhau, chàng trai sẽ nói bố mẹ nhờ bà mối sang nhà gái ngỏ lời. Trong nghi thức mối mai, nhà trai nhờ bà mối mang một con gà và một chai rượu đến nhà gái làm cơm và rót rượu (cho bố mẹ, ông, bà của cô gái ) ngỏ ý muốn lấy cô gái làm con dâu. Sau đó vài ngày, bà mối cùng nhà trai chủ động đến trao đổi với nhà gái về ý định xin cưới, khi đi mang theo một con gà, một chai rượu, một ít bánh kẹo, đồng thời hẹn ngày sang để dạm ngõ, ăn hỏi. 

Vào đúng ngày lành được chọn để thực hiện nghi thức dạm ngõ, ăn hỏi, nhà trai sẽ đến nhà gái, mang theo lễ vật gồm: Một con gà thiến để trong lồng có dán giấy đỏ, một chai rượu, một ít bánh kẹo và 4 đồng bạc già (nếu không có bạc thì quy ra tiền giấy). 4 đồng bạc già này sẽ được chú rể hoặc đại diện nhà trai đưa cho mẹ vợ, gọi là tiền “sữa mẹ” (trên tum khẩư), có ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn mẹ vợ đã mang nặng, đẻ đau, sinh ra cô dâu. Nếu còn ông, bà thì mỗi ông, bà 1 đồng bạc xòe nữa, gọi là tiền “bế ẵm” của ông, bà. 

Trong lễ dạm ngõ, ăn hỏi, hai bên gia đình sẽ bàn bạc về lễ vật bắt buộc nhà trai phải mang sang nhà gái trong ngày cưới. Lễ vật bắt buộc phải có là: 1 đôi gà, 1 con lợn từ 35 kg trở lên, 15 chai rượu, 15 ống gạo nếp và kèm theo 12 cái bánh dày. Ngoài ra, còn phải có đồ trang sức cho cô dâu, gồm dây xà tích, đôi vòng tay, 1 lạng hạt cườm bằng bạc, 14 cúc áo bằng bạc. Đó chính là những trang sức, vật dụng để cô dâu ở nhà may quần áo cưới cho mình. 

Sau khi thầy cúng xem được ngày tốt sẽ tiến hành tổ chức đám cưới. Lễ cưới thường là nhà gái tổ chức trước một ngày, sang ngày hôm sau đến nhà trai tổ chức. Trong ngày này có khá nhiều phong tục độc đáo mà cho đến nay bà con người Nùng vẫn còn lưu giữ. Điển hình như, nhà gái sẽ phải chuẩn bị các đồ vật cho cô dâu như: Đôi hòm sơn đỏ, 1 đôi chăn, 1 đôi chiếu, gối nằm và đồ dùng sinh hoạt khác gọi là “của hồi môn” cho con gái. Trưởng thôn hoặc già làng lên tuyên bố lý do và báo các bước đã tiến hành như: Mối mai, dạm ngõ, ăn hỏi... cho mọi người đến dự được biết, công bố chính thức kể từ ngày này 2 người trở thành vợ chồng. Sau đó tiến hành tổ chức ăn uống chúc mừng đôi vợ chồng mới. Tối hôm đó từng tốp nhà trai, nhà gái sẽ tổ chức hát đối đáp (hát Lượn) cho đến sáng. 

Sau khi cưới nhà gái, ngày hôm sau nhà trai sẽ đến xin dâu. Đoàn đón dâu của người Nùng thường là 6, 8 hoặc 10 người. Bởi theo quan niệm của người Nùng, số chẵn là số may mắn (đủ đôi, đủ cặp). Việc đầu tiên khi đoàn đón dâu từ nhà trai đến nhà gái thì bên cầu thang sẽ để 1 chậu nước, nhà gái sẽ té nước vào chú rể và một số thành viên trong đoàn. Ý nghĩa của việc này là để xua đuổi bệnh tật, vận hạn của chú rể, chú rể bị té nước càng nhiều thì càng may mắn. Sau khi té nước xong đoàn đón dâu mới được vào trong nhà. 

Khi rước dâu về đến nhà trai, lúc cô dâu bắt đầu bước lên cầu thang thì một tay cầm bó lúa và 1 tay cầm ống nước (được nhà trai chuẩn bị sẵn) đi lên nhà, sau đó đặt bó lúa lên gác bếp, đổ ống nước vào chảo (đã được bắc sẵn trên bếp). Ý nghĩa của việc làm này là răn dạy con dâu mới phải chăm chỉ, đảm đang, vào nhà nấu canh ngon, cơm dẻo, ra đồng lúa, ngô nặng hạt, trĩu bông.

Trải qua những biến thiên của thời gian, nghi lễ cưới hỏi của người Nùng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiên tiến, song vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh theo quy định của địa phương.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT