Nghệ thuật Xòe Thái - Tinh hoa di sản văn hóa của nhân loại
Nghệ thuật Xòe Thái
Màn trình diễn “Tinh hoa Nghệ thuật Xòe” (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
“Xòe” (múa) là loại hình nghệ thuật trình diễn của cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La... Với chủ thể là dân tộc Thái, song Xòe hiện nay đã được nhiều dân tộc trong khu vực tiếp thu và thực hành.
Người Thái đã sáng tạo ra nhiều điệu Xòe. Các điệu Xòe Thái được biểu diễn trong nghi lễ, trong lễ hội truyền thống, trong các sự kiện văn hóa, ngày hội của các dân tộc. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Phổ biến nhất là Xòe vòng, đây là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính đệm cho múa. Các động tác múa tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và thể hiện sự kết nối, đoàn kết giữa các thế hệ, các thành viên cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái.
Nghệ thuật Xòe Thái cũng tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng những giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và quan trọng hơn là sự ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. Ngày nay, Nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành biểu tượng của lòng cởi mở, hiếu khách, là dấu ấn văn hóa và bản sắc văn hóa đậm đà của người Thái.
Xòe Thái trong gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa
Hiện nay, ở Tây Bắc có hàng nghìn đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng. Đây được coi là lực lượng nòng cốt trong việc trình diễn, trao truyền và sinh hoạt Xòe Thái. Xòe Thái đang được thực hành biểu diễn phổ biến trong các bản của người Thái ở Tây Bắc.
Người Thái có 6 điệu Xòe cổ, đó là điệu “Khắm khăn mơi lẩu (Nâng khăn mời rượu), điệu “Phá xí” (Bổ bốn), điệu “Nhôm khăn” (Tung khăn), điệu “Khắm khen” (Nắm tay cùng xòe), điệu “Đổn hôn” (Bước tiến lùi) và điệu “Ỏm lọm tốp mư” (Đi vòng tròn vỗ tay).
Bên cạnh việc duy trì các điệu Xòe cổ, nhiều tỉnh cũng sáng tạo thêm một số điệu Xòe mới, như Xòe mời rượu, Xòe khăn, Xòe quạt... Khách du lịch đến Tây Bắc thường được tham gia giao lưu các điệu Xòe đơn giản như điệu Xòe vòng. Nghệ thuật xòe Thái đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Thái, thể hiện bản sắc và sự kế tục. Xòe Thái còn là điểm nhấn văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc Thái và trở thành một loại hình trình diễn trong các điểm sinh hoạt cộng đồng, là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ghi danh di sản và thực hành xòe Thái
Lễ trao bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Năm 2013 và 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái (của các địa phương Điện Biên, Lai Châu, Nghĩa Lộ - Yên Bái và Sơn La) trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Xoè được UNESCO vinh danh là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của mỗi thế hệ, mỗi con người đã gìn giữ và phát huy tinh hoa di sản văn hóa nhân loại; góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và chính quyền địa phương trong việc tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản; đưa khách du lịch đến với cộng đồng dân tộc Thái và Nghệ thuật Xòe Thái; mang đến động lực mạnh mẽ, củng cố niềm tự hào và nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân cư.
Nhằm hưởng ứng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái - Tinh hoa văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, ngày 01/12/2023, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) sẽ khai mạc “Chương trình trưng bày Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, số 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình, khách tham quan sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các nghệ nhân trình diễn Nghệ thuật Xòe Thái; nghe giới thiệu, chia sẻ về thực hành di sản; giao lưu trải nghiệm văn hóa ẩm thực truyền thống với các nghệ nhân; tham quan không gian trưng bày di sản, gian hàng xúc tiến quảng bá du lịch vùng dân tộc thiểu số… |
Trung tâm Thông tin du lịch