Nhân lên cơ hội cho loại hình du lịch
Xu hướng của thế giới
Ở những quốc gia châu Á như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình phổ biến và phát triển từ lâu. Thái Lan được biết đến là “thiên đường spa và tận hưởng cuộc sống"; Hàn Quốc chuyên về thẩm mỹ, làm đẹp; Singapore chuyên về các dịch vụ khám, chữa bệnh; Ấn Độ nổi tiếng với loại hình y học cổ truyền trải nghiệm và yoga; Trung Quốc cũng khẳng định bằng di sản y học cổ truyền được hình thành từ hàng ngàn năm trước. Vậy Việt Nam đi sau các quốc gia trên sẽ cạnh tranh bằng lợi thế nào?
Đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam, Giám đốc đại diện Công ty Cổ phần We Fusion Trương Thị Bích Ngọc cho rằng, Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nhất định như chi phí dịch vụ y tế thấp hơn so với các nước phát triển và một số quốc gia châu Á; chất lượng dịch vụ cao với nhiều cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế, nguồn nhân lực y tế có trình độ cao, tay nghề khéo léo; thời gian điều trị ngắn; có các dịch vụ chăm sóc cá nhân chuyên biệt chất lượng cao.
Hơn thế nữa, Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời cùng nhiều loại thảo dược bản địa có lợi cho sức khỏe. Hiện nay, cả nước có 66 bệnh viện y học cổ truyền, gần 70.000 hội viên trong đó có khoảng 10.000 lương y tham gia hoạt động thuộc Hội Đông y Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có tiềm năng lớn về các cây thuốc quý. Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số đó có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như sâm Ngọc Linh, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ...
Nhờ tính cạnh tranh cao nên du lịch y tế Việt Nam được khách ngoại quốc quan tâm. Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, các dịch vụ được du khách lựa chọn tập trung vào các liệu pháp y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe toàn diện; các dịch vụ y tế chuyên sâu như phẫu thuật tim mạch, điều trị ung thư, thẩm mỹ, nha khoa... Số liệu thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng cho thấy, trước dịch Covid-19, du lịch khám, chữa bệnh đã mang về 2 tỷ USD/năm. Gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.
Chuyển đổi số và kết nối để phát triển
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi trên, việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt văn hóa; sự phân bố không đồng đều của hệ thống y tế giữa khu vực thành thị và nông thôn; chưa có sự kết hợp giữa đông - tây y... Ngoài ra, giữa ngành Du lịch và Y tế chưa có sự hợp tác tương xứng để cùng phát huy thế mạnh nhằm xây dựng những sản phẩm chất lượng, hấp dẫn.
Đề cập đến việc tăng tính liên kết giữa các bên, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xây dựng, quảng bá sản phẩm; ứng dụng công nghệ hiện đại vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và công nghệ chế biến dược liệu... Đồng thời tiến hành chuyển đổi số, liên kết chặt chẽ các công ty lữ hành, đơn vị cung ứng sản phẩm dược liệu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe để tạo thành các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Việc đưa sản phẩm du lịch sức khỏe lên nền tảng số sẽ tạo ra một môi trường kết nối hiệu quả giữa các bên liên quan. Mới đây, Công ty cổ phần We Fusion đã “trình làng” trang thương mại điện tử du lịch wejourney.vn, được kỳ vọng là một “sân chơi chung” cho các bên. Giờ đây chỉ cần một cú nhấp chuột là các công ty lữ hành, hướng dẫn viên và công ty cung ứng các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể kết nối với nhau, tạo ra một tour chăm sóc sức khỏe hoàn chỉnh cho du khách. Điều này vừa tiết kiệm chi phí, nhân sự, thời gian vừa đưa được sản phẩm phù hợp tới du khách.
Để khẳng định chỗ đứng của du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, cần có những chính sách lâu dài và cụ thể. Đáng mừng là tháng 7-2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2951/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của đề án là xây dựng 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch gồm: Du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền; Du lịch thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền; Du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền; Du lịch khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa và Du lịch học thuật y dược cổ truyền...
Đề án này cũng đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống các cơ sở y dược cổ truyền tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch. Đây là bước đi bài bản, nếu được thực hiện đồng bộ cùng nhiều giải pháp khác sẽ là “bàn đạp” đưa du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam lên một tầm cao mới.
Bảo Khánh