Những món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Cao Bằng
Tết Nguyên Đán - ngày khởi đầu cho một năm mới là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Vào những ngày đầu xuân chính là thời gian tất cả mọi người quây quần sum họp bên gia đình cùng đón mùa xuân mới. Các món ăn cổ truyền ngày tết không chỉ đa dạng về món mà còn chú trọng về hình thức trình bày với các loại bát đĩa, cao thấp, đầy vơi và màu sắc của món ăn. Đối với người Cao Bằng, trên mâm cỗ ngày Tết cũng giống như tất cả các vùng, miền khác khắp cả nước không thể thiếu món bánh chưng, gà luộc, lạp sườn hun khói, canh miến, canh măng...
Bánh chưng: là linh hồn của ngày Tết và là loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam.Vì thế trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình không thể thiếu cặp bánh chưng xanh, bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, đậu xanh, thịt lợn và được gói vuông vức bằng lá dong sau đó đem luộc suốt 12 đến 14 tiếng đến khi chín. Bánh dẻo, thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá.
Thịt gà luộc: một món ăn không thể không kể đến trong các dịp lễ tết, từ trước đến nay mọi người luôn tin rằng gà mang đến niềm may mắn, sự khởi đầu thuận lợi cho năm mới. Gà được lựa chọn những con tươi ngon, làm sạch rồi cho vào nồi luộc cùng với 1 số gia vị như gừng, hoa hồi, hoa tiêu. Gà luộc chín tới có màu vàng, không bị rách da và được chấm với muối chanh ớt.
Miến Dong: Miến là món ăn phổ biến trong mâm cỗ ngày Tết của người dân Việt Nam nói chung, nhưng từ lâu, người ta đã ví Nguyên Bình (Cao Bằng) là “đất miến” vì miến ở đây được làm thủ công, từ bột Giong nguyên chất, chất lượng hảo hạng. Với người dân Cao Bằng, bát canh miến được nấu với thịt gà, kèm các loại mộc nhĩ, nấm hương đã là món ẩm thực truyền thống, nó không đơn giản chỉ là một món ăn, mà còn mang vị quê hương, góp phần làm cho những bữa cơm tất niên thêm đậm đà, ấm áp đầy tình thương.
Bên cạnh những món ăn mặn trong mâm cỗ ngày Tết, người Cao Bằng thường làm những món bánh truyền thống của dân tộc để thờ cúng tổ tiên và mời khách như bánh khảo, chè lam...
Lạp sườn hun khói: món ăn rất phổ biến ở Cao Bằng được chế biến quanh năm và đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưu chuộng. Lạp sườn Cao Bằng nhìn gần giống với lạp xưởng của miền xuôi nhưng hương vị khác đôi chút khi ăn có mùi khói ám vào do được treo trên gác bếp khoảng 1 - 2 tháng thì mới ăn và có hương vị đặc trưng riêng chỉ có ở Cao Bằng. Lòng lợn được rửa sạch nhiều lần, cuối cùng rửa bằng rượu sau đó sẽ phơi khô, thổi bong bóng để làm lớp bao bọc bên ngoài lạp sườn. Nhân lạp sườn làm bằng thịt vai, thịt mông lợn hoặc thịt thăn băm nhỏ, ướp các loại gia vị và cho vào một ít rượu để lên men sau đó sẽ nhồi vào lòng lợn đã được thổi bong bóng. Sau khi làm xong, thịt được phơi khoảng ba nắng và mang vào treo ở gác bếp để khói và hơi nóng của lửa giúp thịt thơm ngon mang hương vị riêng. Lạp sườn thường được rán, nướng hoặc hấp và cắt ra thành từng lát để ăn. Trong mâm cỗ ngày Tết ở Cao Bằng, sau món thịt gà luộc, đây là món ăn không thể thiếu.
Bánh khảo: là một thứ bánh không thể thiếu trên bàn thờ để cúng tổ tiên và mang hương vị Tết rất riêng của người Cao Bằng. Rất nhiều nơi trên đất nước ta có làm bánh khảo, nhưng bánh khảo Cao Bằng vốn nổi tiếng thơm ngon, được nhiều người yêu thích.
Từ xa xưa, Bánh khảo được coi như một thứ lương khô của người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Bánh được làm nhiều nhất vào dịp Tết, có ưu điểm là dù để lâu cũng không mốc, không thiu, nên với phong tục đón Tết trong cả tháng đầu xuân, thì chừng nào trong nhà còn bánh khảo, chừng đó vẫn còn là Tết. Làm bánh khảo không quá khó, nhưng để có được những phong bánh khảo thơm ngon, cần trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, tỉ mẩn, công phu; chọn loại gạo nếp ngon, thơm, hạt tròn, mẩy nhất để làm bánh khảo. Đường dùng làm bánh khảo thường là đường kính hoặc đường phên (loại đường được sản xuất thủ công từ mật mía).
Sau khi chuẩn bị xong bột và nhân bánh, người ta tiến hành nén bánh; gỡ bánh ra khỏi khuôn, gói bánh bằng giấy bản (giấy thủ công, dễ thấm, màu trắng) hoặc bằng giấy làm vàng mã với đủ các màu rực rỡ, xanh, đỏ, tím, vàng. Bánh khảo Cao Bằng có vị thơm của bột nếp, vị bùi của vừng và lạc rang, vị ngậy của mỡ lợn, vị ngọt thanh của đường. Tất cả hòa quyện với nhau, thật đậm đà không thể nào quên.
Bánh chè lam Cao Bằng: Chè lam là loại bánh được bà con các dân tộc Cao Bằng làm từ xưa trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Bánh chè lam được làm từ bột gạo nếp rang, đường phên (mật), lạc; có hương vị đặc trưng vừa ngon, thơm, dẻo.
Gạo để làm bánh chè lam phải là loại gạo nếp cái thơm, hạt to, tròn, đem rang lên đến khi chín thơm mới xay thành bột mịn. Lạc cũng được chọn kỹ không có hạt thối, mốc, chọn hạt to, hạt nhỏ ra riêng để khi rang không có hạt chín, hạt cháy. Làm bánh này, muốn làm bằng đường gì cũng được, nhưng thường là làm bằng đường phên thì ngon và thơm hơn. Sau khi đun đường lên mới bắt đầu cho bột vào quấy. Trong lúc quấy lửa phải cháy đều, nếu không sẽ cháy, còn cho bột cũng phải từng ít một nếu cho nhiều sẽ bị vón cục. Thường người ta cho vào cái sàng bột rắc lên trên chảo đường một lớp bột mỏng và quấy, lâu lâu lại rắc một chút bột như vậy rồi quấy cho đến khi bột nở hết, đủ độ dẻo, ngọt thì cho lạc đã được rang chín thơm vào trộn đều, rồi đổ ra khuôn cắt thành từng miếng. Một mẻ bánh phải ngồi quấy hơn 2 tiếng mới xong, vì vậy người làm bánh chè lam phải là người kiên trì, nhẫn nại, người nào nóng vội không làm được, hoặc bánh sẽ không ngon.
Bánh chè lam làm xong, được cắt thành từng miếng xếp ra đĩa rắc thêm một ít hạt vừng cho thơm. Đặc biệt, ăn chè lam với nước chè mới cảm nhận được hết hương vị đặc trưng của nó.
Cùng với những món ăn truyền thống, mỗi dịp Tết đến, xuân về, bên cạnh đào mai nở thắm, nhâm nhi bên tách trà thơm ngát không thể thiếu khay mứt với đầy đủ màu sắc như mứt bí thanh mát, vị cay cay của mứt gừng, mứt dừa dẻo ngọt,…. Những sản phẩm này góp phần tạo nên hương vị ngày Tết thêm đậm đà, đầm ấm./.