Phát triển du lịch mua sắm tại Hà Nội: Thị trường nhiều tiềm năng
Du khách mua sắm tại Trung tâm thương mại Royal City Mega Mall.
Sẵn tiềm năng, tăng lợi ích
Tìm trên trang web tư vấn du lịch nổi tiếng TripAdvisor về các điểm mua sắm ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu Hà (thành phố Pleiku, Gia Lai) đã được tư vấn tới các trung tâm thương mại nổi tiếng như: Aeon Mall Long Biên, Trung tâm Ẩm thực và hội nghị Almaz, Lotte Department Store, Big C Thăng Long... Bên cạnh đó, chị cũng được giới thiệu tới nhiều cửa hàng bách hóa, cửa hàng quà tặng và đặc sản, phòng trưng bày nghệ thuật... ở Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, lợi thế của các trung tâm mua sắm là mặt hàng phong phú, đa dạng, giá cả niêm yết rõ ràng, nhiều chương trình kích cầu. Vào mỗi dịp lễ hội, tại đây còn có các chương trình giải trí, vui chơi nên rất hấp dẫn những du khách trẻ tuổi và du khách quốc tế.
Với lợi thế là sản phẩm đa dạng, hàng hóa phong phú, mang đặc trưng vùng miền từ khắp các tỉnh, thành của cả nước, được giới thiệu tại các liên hoan làng nghề, lễ hội..., khách đến Hà Nội sẽ có thêm nhiều lựa chọn tham quan kết hợp với mua sắm.
Thêm vào đó, sự xuất hiện của các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại Hà Nội có tích hợp các chương trình giải trí như rạp chiếu phim, trò chơi hay các khoảng không gian xanh để thư giãn đã bổ sung những lựa chọn mới cho du khách, bên cạnh những cửa hàng bán đồ lưu niệm tại những làng nghề, phố nghề truyền thống như phố cổ Hà Nội, làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng...
Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng chung của du lịch cả nước, du lịch Hà Nội cũng ghi nhận những kỳ tích về lượng khách, trở thành một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách quốc tế và nội địa. Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2019, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 6,023 triệu lượt trong tổng số 16,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm 36,8% lượng khách quốc tế cả nước.
Hướng khai thác du lịch gắn với những tiện ích và sự phát triển của chuỗi dịch vụ đã thúc đẩy chi tiêu của du khách, tạo thêm sức hấp dẫn cho du lịch Hà Nội. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới khi ngày càng có nhiều du khách muốn được trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa của người bản địa.
Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng phát triển dịch vụ, ngành Du lịch góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, đặc biệt là nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực địa phương. Nếu có thể thu hút khách du lịch mua và sử dụng hàng hóa, dịch vụ do người dân địa phương tự sản xuất, thì mức tiêu dùng của khách du lịch sẽ tạo nên thu nhập cho người dân bản địa và các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương.
Đầu tư đồng bộ
Theo bà Bùi Ngọc Linh, Giám đốc Công ty lữ hành Sens Asia, đô thị càng lớn càng bao hàm nhiều giá trị du lịch, thu hút được đa dạng đối tượng khách. Những thành phố chứa đựng nhiều biểu tượng, di sản văn hóa hay các công trình kiến trúc mới nổi bật, các trung tâm sinh hoạt văn hóa - giải trí, các trung tâm kinh tế với khả năng cung cấp dịch vụ đa dạng... có thể trở thành những “siêu đô thị” thu hút khách du lịch.
Bà Bùi Ngọc Linh đưa ra so sánh điểm đến điển hình của khu vực là thủ đô Bangkok (Thái Lan) - được ví như “Kinh đô mua sắm” với các thành phố lớn của Việt Nam. Hạn chế hiện nay ở các đô thị của Việt Nam là vẫn chưa định hình được bản sắc và thế mạnh của mình trên bản đồ du lịch thế giới.
Các thành phố đa năng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... khi được nhắc đến vẫn chưa có được một thông điệp rõ ràng đối với du khách quốc tế. Không thành phố nào trong số các thành phố kể trên xác minh được điểm mạnh, tạo thành thương hiệu như “Kinh đô mua sắm” Bangkok (Thái Lan), “Thành phố Nghệ thuật Paris” (Pháp) hay “Thành phố Văn hóa truyền thống” Kyoto (Nhật Bản)...
Theo nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp du lịch, giải pháp đưa ra để thúc đẩy loại hình mua sắm tại Hà Nội là sự chung tay của các bên, trong đó có chính quyền, doanh nghiệp lữ hành cũng như các đơn vị kinh doanh thương mại.
Ông Phạm Minh Tú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Hành trình Phương Đông cho rằng, mỗi thành phố nổi tiếng về du lịch trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản), Singapore hay Hongkong (Trung Quốc)... đều có những trung tâm hoặc khu phố mua sắm lớn. Hà Nội nên đầu tư các điểm đến kết hợp với thương mại như vậy cùng với không gian ẩm thực đặc trưng để phục vụ du khách.
Ông Phạm Minh Tú cũng nhấn mạnh, phải tạo được sức hút cho những trung tâm bằng các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc gia - đó là “hàng hiệu mang thương hiệu Việt”.
Theo ông Vũ An Dân, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch (Viện Đại học Mở Hà Nội), để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, Hà Nội cần khai thác các loại hình du lịch có tài nguyên tại không gian đô thị như: Văn hóa, thiên nhiên, kiến trúc, công nghệ, dịch vụ mua sắm, công vụ... Trong đó, các doanh nghiệp du lịch cần thực hiện tốt các vai trò gồm dẫn dắt và định hướng cho các đơn vị cung ứng tại điểm đến, kết nối các đơn vị để tạo ra sản phẩm mới; theo dõi, đánh giá sự hài lòng của du khách và chất lượng dịch vụ, tiếp thị điểm đến.
Tranh thủ được các nguồn lực và tài nguyên ấy với cách làm bài bản, có sự đầu tư, chắc chắn du lịch mua sắm sẽ là một trong những sản phẩm hấp dẫn đối tượng khách quốc tế có mức chi trả cao đến với Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung./.