Phát triển du lịch nông thôn - giải pháp căn cơ nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Thông báo kết luận nêu rõ, để có các giải pháp và cách làm phù hợp, hiệu quả, trước hết cần có nhận thức và làm rõ nội hàm về khái niệm du lịch nông thôn gắn với việc phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa của nông thôn cho hoạt động du lịch. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, du lịch nông thôn cần phải được xem xét là một giải pháp để xây dựng nông thôn mới, không chỉ là một công cụ để xóa đói giảm nghèo, mà còn để đa dạng hóa thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái.
Cần xem xét đến các yếu tố chính để phát triển du lịch nông thôn, trong đó cốt lõi là yếu tố cộng đồng và xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương; lấy hiệu quả kinh tế để đánh giá và tuân thủ các quy luật của thị trường với tư cách là một ngành kinh tế, mang lại các lợi ích kinh tế, gắn với các lợi ích về xã hội và môi trường; sự tham gia của cộng đồng và người dân nông thôn với tư cách là chủ thể của du lịch nông thôn; vấn đề giới trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; vai trò của việc hình thành các chuỗi giá trị trong quá trình phát triển du lịch nông thôn; phát huy vai trò của các bên liên quan khác như: Các công ty lữ hành, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch với việc nâng cao giá trị và sự khác biệt của các sản phẩm hướng tới từng nhóm đối tượng du khách đặc thù.
Để đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện, xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng từng vùng, miền là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở địa phương.
Các địa phương cần chủ động đánh giá tiềm năng và định hướng, quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng với các tua, tuyến, điểm du lịch đặc thù, độc đáo, hướng vào chiều sâu và bền vững. Muốn vậy, cần huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các hiệp hội du lịch, viện nghiên cứu. Đối với những địa phương đã có tiềm năng rõ rệt để phát triển du lịch nông thôn, phải ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch phải gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại về thiên tai cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng chịu tác động rủi ro.
Mỗi địa phương phải thực sự chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tua, tuyến nhằm thu hút du khách để khai thác tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch.
Xây dựng chính sách phát triển du lịch nông thôn
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án về phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển du lịch nông thôn, nhất là chính sách liên quan đến các thủ tục quản lý người nước ngoài, quản lý lưu trú; chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch (nguồn vốn từ ngân hàng, các quỹ đầu tư, quỹ vốn vay từ các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp); chính sách hỗ trợ đào tạo cho người dân nông thôn làm du lịch.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đặc trưng của mỗi địa phương, vùng, miền, làm cơ sở để thu hút du khách đến trải nghiệm, tiêu thụ. Mỗi tỉnh, thành phố khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phải chú trọng đến việc rà soát, phát huy lợi thế về sản xuất để phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, góp phần tạo ra các giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch; xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp hạng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đối với các thôn, bản, ấp được hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, ấp theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời phát huy lợi thế để phục vụ phát triển du lịch.
Các cấp, các ngành tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với việc xây dựng thương hiệu đặc trưng; chú trọng khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn, đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá cho du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại./.