Phát triển du lịch trong câu chuyện văn hóa Cơ Tu ở Quảng Nam
Tây Giang hướng đến thúc đẩy phát triển du lịch từ câu chuyện văn hóa Cơ Tu, tạo hấp lực cho du khách. Ảnh: Alăng Ngước
Góp sức bảo tồn
Những nỗ lực của nghệ nhân Hôih Apla (ở thôn Azứt, xã Bha Lêê, Tây Giang) cuối cùng cũng nhận được thành quả khi ngày càng nhiều người dân địa phương tham gia hoạt động sưu tầm, quảng bá và giới thiệu các giá trị văn hóa Cơ Tu. Hơn 40 năm qua, ngôi nhà của ông Hôih Apla trở thành điểm sinh hoạt, truyền dạy văn hóa truyền thống đến với cộng đồng.
Ông Alăng Ahon - cán bộ văn hóa xã Bha Lêê nói, ở địa phương, ông Hôih Apla được biết đến là người duy nhất có khả năng chế tác, biểu diễn nhạc cụ truyền thống kết hợp với khèn. Suốt hàng chục năm qua, ông miệt mài chế tác, biểu diễn, hỗ trợ người dân sửa chữa khèn hơi và các nhạc cụ truyền thống Cơ Tu như một niềm đam mê cháy bỏng, giúp truyền cảm hứng cho cộng đồng trong công tác bảo tồn văn hóa.
“Nhiều người trẻ Cơ Tu bây giờ đã bắt đầu thích học cách thổi khèn nên thỉnh thoảng tìm đến nhờ ông Hôih Apla chỉ dạy. Sau thời gian học tập, nhiều người đã đủ tự tin biểu diễn trong ngày hội làng” - ông Ahon chia sẻ.
Theo ông Ahon, từ nỗ lực cá nhân của ông Hôih Apla, cộng với sự tiếp nhận văn hóa từ cộng đồng, trong định hướng của địa phương, thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình truyền dạy hoạt động chế tác nhạc cụ, đan lát, dệt thổ cẩm kết hợp tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Bằng câu chuyện đời sống văn hóa Cơ Tu, thông qua không gian tham quan, trải nghiệm mang đậm sắc màu truyền thống, ông Ahon kỳ vọng sẽ góp thêm điểm nhìn mới mẻ cho hành trình phát triển du lịch miền núi.
Ở Tây Giang, ông Hôih Apla như một lát cắt trong câu chuyện các nghệ nhân Cơ Tu góp công cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Bằng tài năng âm nhạc, điêu khắc, đan lát…, nhiều nghệ nhân trở thành “hình mẫu” giúp địa phương sưu tầm, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa đến với cộng đồng. Điển hình như ông Clâu Blao (xã Tr’Hy), Kêêr Tiíc (xã A Xan), Bhriu Pố (xã Lăng)…
Hướng mở cho tương lai
Sau thời gian “vắng bóng” do đại dịch COVID-19, các điểm đến du lịch nổi tiếng của Tây Giang như Đỉnh Quế (xã Tr’Hy), Ta Lang (Bha Lêê), Pơr’ning (Lăng)… bắt đầu mở cửa đón du khách ghé thăm, khám phá, trải nghiệm.
Dù bước đầu chỉ thỉnh thoảng vài đoàn kết nối, nhưng bằng quyết tâm của cộng đồng với sự giúp sức của chính quyền địa phương, hướng mở cho tương lai đang dần chuyển màu tươi sáng hơn.
Ông Pơloong Plênh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, theo đề án của địa phương, thời gian tới sẽ tập trung khởi động các chương trình đầu tư, nâng cấp điểm đến du lịch cộng đồng, phục vụ du khách.
Cụ thể, xây dựng nâng cấp và khôi phục các giá trị văn hóa Cơ Tu tại Làng văn hóa du lịch Pơr’ning và Ta Lang. Trên cơ sở nâng cấp này, nhiều công trình hạ tầng, thiết chế văn hóa được đầu tư phù hợp với công tác bảo tồn bản sắc truyền thống.
Tất cả tiềm năng lợi thế sẽ được tận dụng và “huy động” tối đa, giúp du lịch vực dậy một cách bài bản theo lộ trình cụ thể, phù hợp. “Dự kiến, tại mỗi làng sẽ có điểm tham quan, trưng bày các hiện vật văn hóa, không gian sinh hoạt, lưu trú, khám phá cho du khách.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ nghiên cứu đưa ẩm thực truyền thống, hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm và nghệ thuật trình diễn trống chiêng giúp du khách trải nghiệm thực tế sinh động, ở lại lâu hơn với non ngàn” - ông Plênh nói.
Để khởi động cho các đề án khôi phục, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, Tây Giang nỗ lực kết nối, hình thành các điểm dừng chân dọc theo trục đường Hồ Chí Minh và các tuyến giao thông liên huyện, liên xã.
Đồng thời, khôi phục các làng nghề truyền thống, từ đan lát, điêu khắc cho đến dệt thổ cẩm với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Phát triển du lịch trong câu chuyện văn hóa Cơ Tu đang được xây dựng theo lộ trình mới, ở Tây Giang…
Alăng Ngước