Hoạt động của ngành

Phát triển ''ngành công nghiệp không khói'' gắn với lễ hội truyền thống ở Hà Giang

Cập nhật: 08/04/2025 10:28:09
Số lần đọc: 118
Hà Giang là nơi sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có những lễ hội truyền thống chứa đựng nét tinh hoa văn hóa khác nhau; thông qua lễ hội truyền thống giúp du khách có trải nghiệm sâu sắc hơn về tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, đây cũng chính là “tài nguyên” vô giá để tỉnh Hà Giang gắn với phát triển “ngành công nghiệp không khói”.


Mèo Vạc là huyện vùng cao, xa nhất của tỉnh Hà Giang, với 17 dân tộc cùng sinh sống (Mông, Lô Lô, Dao, Tày, Giáy…) công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch được địa phương này chú trọng. Huyện có nhiều lễ hội văn hóa gắn với từng dân tộc như: Mông, Lô Lô, Dao, chợ Phong lưu Khâu Vai,… 

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm cùng bà con người Lô Lô tại lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Điển hình là huyện Mèo Vạc đã tổ chức thành công lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô năm 2024. Trong khuôn khổ ngày hội diễn ra nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm, như: Lễ rửa làng; các trò chơi dân gian: Đá lợn, kéo co bằng tay, tung ngô vào quẩy tấu; thi thêu, ghép các hoa văn của dân tộc Lô lô; giao lưu ẩm thực, thi chế biến các món ăn của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm như: Nhảy sạp, hát, múa, đánh trống đồng, kéo nhị, thử thêu hoa văn của dân tộc Lô Lô, tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm vùng cao và trải nghiệm tráng phở của dân tộc Lô Lô…

Là du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Mèo Vạc đúng dịp diễn ra lễ hội văn hóa Lô Lô, chị Nguyễn Thị Hải Linh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng với cảnh sắc và thiên nhiên ở đây, đặc biệt là khi được hòa mình vào những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao giúp tôi hiểu biết thêm về bản sắc văn hóa của đồng bào trên đất nước mình…”.

Ông Lò Sì Páo, người dân tộc Lô Lô, trưởng thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) thực hiện nghi lễ Rửa làng.

Tuy chiếm tỷ lệ khiêm tốn về dân số nhưng người Lô Lô ở Mèo Vạc có nền văn hóa phong phú độc đáo, từ trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề truyền thống, ẩm thực đến phong tục, tập quán cưới hỏi, lễ hội, nghi lễ đặc sắc được lưu giữ cho đến ngày nay. Đặc biệt, hiện nay, dân tộc Lô Lô ở Mèo Vạc còn gìn giữ và lưu truyền trang phục dân tộc với đường nét hoa văn được thêu tỉ mỉ, sắc sảo, có giá trị văn hóa cao.

Ông Lò Sì Páo, người dân tộc Lô Lô cũng là trưởng thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, cho biết: “Tôi luôn suy nghĩ làm sao để bảo tồn cũng như truyền dạy được văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ trẻ hiện nay mà mai sau. Việc tổ chức lễ hội cũng là dịp để các nghệ nhân, người dân có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần giới thiệu, quảng bá tới đông đảo nhân dân và du khách thập phương về truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.

Nghi lễ Rửa làng của dân tộc Lô Lô (Mèo Vạc, Hà Giang) thu hút du khách.

Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, hiện nay, xu hướng du lịch tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số nhận được sự quan tâm của nhiều du khách. Chính vì vậy, huyện chú trọng đến công tác phục hưng, bảo tồn cũng như lan tỏa rộng rãi các lễ hội truyền thống. Đặc biệt, thời điểm này, Mèo Vạc đang tích cực triển khai các hoạt động cho chợ Phong lưu Khâu Vai, nơi gắn liền với câu chuyện tình yêu huyền thoại giữa chàng Ba và nàng Út và là phiên chợ tình độc nhất vô nhị trên cao nguyên đá Hà Giang.

Còn tại huyện Đồng Văn, nơi hàng năm diễn ra lễ hội hoa Tam giác mạch; từ một cây lương thực lâu đời của đồng bào vùng cao trên địa bàn tỉnh, với sự sáng tạo của các cấp chính quyền, giờ đây hoa tam giác mạch đã trở thành cây trồng thế mạnh, là sản phẩm du lịch độc đáo làm nên thương hiệu du lịch Hà Giang - để mỗi dịp chớm Đông, những nụ tam giác mạch tím, hồng bung nở, nhẹ nhàng lay động trong gió núi, khiến du khách không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá mảnh đất cao nguyên đá.

Mỗi dịp chớm Đông, những nụ tam giác mạch tím, hồng bung nở, nhẹ nhàng lay động trong gió núi, khiến du khách không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang.

Để lễ hội diễn ra thành công, lưu ấn tượng tốt cho du khách, tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo gieo trồng Tam giác mạch thành những vùng rộng lớn, có điểm nhấn với quy mô hàng trăm ha dọc các cung đường từ thành phố Hà Giang lên các huyện vùng cao (Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn); tăng cường truyền thông, quảng bá về lễ hội bằng nhiều hình thức; tổ chức các hoạt động trong chuỗi sự kiện giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 81 lễ hội (8 lễ hội cấp tỉnh, 15 lễ hội cấp huyện, 58 lễ hội cấp xã); trong đó, có 54 lễ hội dân gian, 11 lễ hội di tích lịch sử văn hóa; 14 lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch và 2 lễ hội ngành nghề. Nhiều lễ hội trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng của tỉnh như: Lễ hội hoa tam giác mạch; tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai, lễ hội khèn Mông…

Chú trọng phát triển du lịch gắn với các lễ hội truyền thống góp phần thu hút du khách đến với Hà Giang.

Trước bối cảnh thương mại hóa hiện nay, việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa các dân tộc đã tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch Hà Giang. Trong đó, các lễ hội truyền thống là chìa khóa giúp du khách có trải nghiệm sâu sắc hơn về các tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như, năm 2015, Hà Giang thu hút khách du lịch đạt hơn 762.000 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 700 tỷ đồng thì đến năm 2024, toàn tỉnh đón hơn 3,2 triệu lượt du khách, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 8,1 nghìn tỷ đồng (trong đó, 380.000 lượt khách quốc tế, hơn 2,9 triệu lượt khách nội địa). Đặc biệt, Hà Giang ghi dấu với giải thưởng “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”.

Bài, ảnh: Kim Thu

 

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 04/04/2025

Cùng chuyên mục