Phở - Di sản bình dân
Bát tái lăn nhiều hành của phở Thìn (Lò Đúc).
Bỏ qua việc tranh cãi về nguồn gốc của món ăn, phở Hà Nội đã góp phần làm phong phú thêm món phở của người Việt Nam nói chung, trở thành danh từ riêng hiện diện ở hơn 50 quốc gia trên khắp thế giới.
Kỹ thuật nấu và văn hóa thưởng thức đã tạo dấu ấn riêng cho phở Hà Nội, góp phần hình thành nên tập quán ăn uống của người Hà thành. Những bát tái nạm, tái gầu, tái lăn, tái chín hay phở đùi, phở cánh, phở lưng thơm ngon trong không gian lâu năm của những “điểm đến” như quán phở Vui, phở Sướng, Thìn (Bờ Hồ), Thìn (Lò Đúc), phở gà Hàng Điếu, phở Lâm (Nam Ngư), phở Bản… đã mang đến cho các thực khách qua nhiều thế hệ những cuộc thăng hoa vị giác.
Thức quà bình dân của người Hà Nội nay đã được tôn vinh là di sản - một di sản sống đặc sắc. Ngoài các phần việc mà cơ quan chức năng cần triển khai như quảng bá, tôn vinh thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm và văn hóa kinh doanh, để phở xứng đáng là “một trong những món ăn phải thử một lần trong đời” mà tạp chí nổi tiếng Business Insider đã “mời gọi”.
Nguyên liệu tươi, được lựa chọn kỹ càng là một trong những tiêu chuẩn cơ bản của các hàng phở nổi tiếng. Phở Thìn (Bờ Hồ) vẫn nằm ở đầu ngõ nhỏ phố Đinh Tiên Hoàng từ năm 1955 cho đến nay.
Mỗi quán phở lâu đời đều có hương vị và phong cách phục vụ riêng.
Khiếu Minh